Bộ trưởng NN&PTNT: Không nên dùng từ giải cứu nông sản nữa, nên 'tư duy lại việc này'
Trả lời đại biểu Quốc hội về tình trạng 'được mùa mất giá' vẫn diễn ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không nên dùng từ 'giải cứu' nông sản nữa mà đây là vấn đề của thị trường…
Chiều nay, 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuyển sang phiên chất vấn về lĩnh vực NN&PTNT.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) nêu vấn đề nông sản rớt giá khi thu hoạch, thanh long, khoai lang rớt giá thê thảm,.. và nhấn mạnh đây là một điển hình ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết giải pháp giải cứu nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp giải quyết tình trạng được mùa mất giá liên quan đến vấn đề cung cầu, do đó nên tư duy lại vấn đề này. Cụ thể, ông Hoan cho rằng, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa mà đây là vấn đề của thị trường.
Chẳng hạn về câu chuyện trồng sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với người trồng điều ở Bình Phước, nhiều người chặt bỏ điều chuyển sang trồng sầu riêng. Ông cũng nêu rõ, không thể cấm bà con không được trồng sầu riêng mà cần có giải pháp khuyến nông, thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp…
Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống, từ nông nghiệp đến công thương, đến hiệp hội ngành hàng, đến từng hợp tác xã. Còn về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ có trách nhiệm khi chưa chuẩn hóa quy trình trồng sầu riêng, xây dựng mã ngành hàng.
Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài, chẳng hạn như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục để phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn lên rất nhiều.
Tiếp tục trả lời một số câu hỏi của ĐBQH liên quan đến giải pháp để nâng cao thu nhập của người nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.
Bộ trưởng cho biết, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí.
Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Bộ trưởng NN&PTNT nêu, chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.