Bộ trưởng NN&PTNT: 'Thách thức kép' nhắc nhở chúng ta về 4 chữ VUCA
Phát biểu bế mạc lễ hưởng ứng Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai diễn ra sáng 13/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cho rằng thiên tai, dịch bệnh không phân định biên giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, sự kiện hưởng ứng Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai đã hoàn thành nội dung đề ra, với nhiều hoạt động hữu ích, ý nghĩa, ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác điều hành, phối hợp phòng, chống thiên tai của các đối tác trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng cho rằng, “thách thức kép” từ những diễn biến khó lường của thiên tai khắp các khu vực trên thế giới cùng với dịch bệnh COVID-19 gây tác động tiêu cực toàn cầu nhắc nhở chúng ta về thuộc tính thế giới VUCA – bốn chữ cái viết tắt tiếng Anh có nghĩa là “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”. Bão số 7 (LionRock) vừa suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão Kompasu nhanh chóng đổ bộ vào Việt Nam. “Ngay sau buổi hưởng ứng này, tôi cùng Đoàn công tác sẽ di chuyển vào khu vực các địa phương chịu ảnh hưởng để theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra chỉ đạo, hỗ trợ người dân”, Bộ trưởng nói.
Tại buổi hưởng ứng hôm nay, lãnh đạo các tổ chức, đối tác quốc tế đã quan tâm, trình bày kinh nghiệm về hoạt động hợp tác giảm thiểu rủi ro, quản lý thiên tai trong bối cảnh COVID-19. Vai trò của các tổ chức trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là chia sẻ thông tin, cứu trợ khẩn cấp, trực tiếp, kịp thời đến người dân, khu vực chịu ảnh hưởng cần tiếp tục được duy trì và phát huy. Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương thu hút được sự quan tâm, ủng hộ từ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, tổ chức quốc tế. “Xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến các cá nhân, đơn vị đã chuyển đến những khoản đóng góp đầu tiên cho Quỹ. Với định hướng hoạt động “minh bạch - hiệu quả - chuyên nghiệp”, hy vọng rằng, Quỹ sẽ góp phần bổ sung nguồn lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, đem đến lợi ích thiết thực cho toàn xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Thiên tai, dịch bệnh không phân định biên giới. Trước bối cảnh từ đất nước nhỏ bé đến to lớn đang phải đương đầu, ứng phó với bao xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, sự sát cánh, đồng lòng giữa các quốc gia, cùng với vai trò điều phối của Liên Hợp Quốc có ý nghĩa quyết định, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế, san sẻ khó khăn, kết nối nguồn lực.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, “giảm nhẹ rủi ro”, “quản lý thiên tai” là quan điểm tiếp cận mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ cùng nhau đồng thuận. “Giảm nhẹ rủi ro”, “quản lý thiên tai” chú trọng công tác chuẩn bị, dự phòng một cách chủ động, tích cực, hướng đến giải pháp căn cơ, bền vững. Chuẩn bị, dự phòng không chỉ cho năm nay, hay năm sau, mà cần tầm nhìn xa hơn, cho năm năm, mười năm tiếp đến, cho thế hệ con cháu mai sau. Các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến luôn cần đến sự đầu tư tương xứng để nâng cao khả năng dự báo, đánh giá rủi ro. Song, cần chú trọng việc kết hợp phân tích khoa học với các giải pháp quản lý thiên tai dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.
Là chủ thể đóng vai trò quyết định, xuyên suốt quá trình quản lý rủi ro thiên tai, chính cộng đồng dân cư địa phương mới thông hiểu, am tường rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, để chủ động tham gia vào các khâu lập kế hoạch và triển khai thực hiện, dựa trên việc khai thác, tận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, cùng các kiến thức bản địa hữu ích, được lưu truyền qua bao thế hệ. Đây là nền tảng để hướng đến phát triển bền vững, hài hòa ba trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của thế hệ hôm nay, vừa không làm tổn hại, giảm thiểu điều kiện, cơ hội thụ hưởng của thế hệ mai sau.
“Tôi được dịp xem tựa phim “Thiên nhiên và con người”, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Từng lời bình, từng khuôn hình gợi lên nhiều suy tư, ngẫm nghĩ về nguồn cơn của thảm họa từ thiên nhiên. Ngôi nhà thiên nhiên chở che, ươm mầm sự sống cho muôn loài sinh sôi, trong đó, loài người vốn được nhiều ưu đãi và thông minh nhất. Ngờ đâu, chính loài người lại góp phần gây ra những tổn hại khiến thiên nhiên “nổi giận” và gửi đi tín hiệu cảnh tỉnh, từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, đến hàng loạt diễn biến bất thường của các loại hình thiên tai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Đã tới lúc chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh. Chăm lo cho thiên nhiên trước khi quá muộn.
Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989, do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khởi xướng và lựa chọn ngày 13/10 hằng năm để thúc đẩy văn hóa toàn cầu nhận thức về giảm thiểu rủi ro thiên tai.
ASEAN cũng lấy ngày này là Ngày Quản lý thiên tai ASEAN để kỷ niệm cách thức mà người dân và cộng đồng trên toàn thế giới giảm rủi ro thiên tai và nâng cao nhận thức về những rủi ro mà họ phải đối mặt trong quá trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2021, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai là “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức kép”.
Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: Tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Nhằm giảm thiểu rủi ro do “thách thức kép” đến từ thiên tai - dịch bệnh, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để triển khai các hoạt động về phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.