Bộ trưởng Nội vụ: 4 đột phá lớn để xây dựng chính quyền địa phương hai cấp

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ sửa bốn nhóm nội dung lớn để xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Sáng 7-5, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đây là một nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa các định hướng lớn của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: Tỉnh và xã.

Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi nhằm đảm bảo phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền, tinh gọn tổ chức bộ máy, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, thông suốt và hiệu quả trong hoạt động hành chính từ trung ương đến cơ sở.

Mục tiêu tổng thể là xây dựng một nền hành chính phục vụ, gần dân, sát dân và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Bốn nhóm nội dung có sửa đổi lớn

Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 chương, 54 điều, trong đó kế thừa cơ bản nguyên tắc tổ chức và phân định thẩm quyền của Luật hiện hành, đồng thời sửa đổi và bổ sung các quy định nhằm thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Bốn nhóm nội dung lớn được tập trung sửa đổi bao gồm:

Thứ nhất, phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Cấp tỉnh gồm: tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Cấp xã gồm: xã, phường và đặc khu (ở hải đảo). Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, do Quốc hội quyết định thành lập.

Chính quyền cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) để đảm bảo tính thống nhất trong bộ máy hành chính.

 Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Thứ hai, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp: Cấp tỉnh được tăng cường thẩm quyền trong ban hành cơ chế, chính sách, quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư…

Cấp xã được mở rộng quyền hạn, trong đó có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền.

Chính quyền cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã, đặc biệt là tại các phường trong lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị và tại các đặc khu nhằm tăng cường tính tự chủ.

Thứ ba, về tổ chức chính quyền địa phương, đối với cấp tỉnh, giữ cơ cấu tổ chức như hiện hành, chỉ điều chỉnh tăng số lượng đại biểu HĐND cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính.

Đối với cấp xã: HĐND cấp xã gồm hai Ban (Pháp chế và Kinh tế - Xã hội). UBND cấp xã có thể tổ chức các cơ quan chuyên môn hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên trách để thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

Thứ tư, về hiệu lực và tổ chức thực hiện: Dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Cùng với đó, sẽ có quy định chuyển tiếp áp dụng với tổ chức chính quyền địa phương tại các phường thuộc TP Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021–2026. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số luật và nghị quyết liên quan để đảm bảo tính đồng bộ. Quy định rõ lộ trình chuyển đổi, các nội dung xử lý phát sinh để đảm bảo hoạt động bình thường, liên tục của bộ máy chính quyền trong quá trình chuyển đổi từ mô hình ba cấp sang hai cấp.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp, áp dụng thủ tục rút gọn.

Phân công, ủy quyền linh hoạt hơn cho cấp xã

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thành Tùng cho hay Ủy ban bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật hiện hành, đồng thời tán thành việc trình Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đại diện cơ quan thẩm tra cho hay, dự thảo Luật cơ bản bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập đơn vị hành chính và tiếp tục sắp xếp đơn vị cấp xã.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thành Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thành Tùng.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý một số nội dung cụ thể, trong đó đáng chú ý có bốn nhóm vấn đề sau:

Cụ thể, làm rõ các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc thuộc thẩm quyền cấp xã, nhằm tăng cường trách nhiệm điều hành của cấp tỉnh. Đồng thời, dự thảo cần quy định cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn cho cấp xã, đặc biệt với những đơn vị hành chính quy mô lớn sau sắp xếp, để bảo đảm phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chỉnh lý quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp tại Chương IV để thể hiện rõ chủ trương phân cấp, phân quyền. Trên cơ sở đó, rà soát các luật chuyên ngành liên quan, đảm bảo thống nhất và phù hợp với các dự án luật cũng được trình tại Kỳ họp thứ 9.

Cơ quan thẩm tra đề xuất xem xét số lượng, lĩnh vực phụ trách của các Ban HĐND cấp xã; số lượng đại biểu HĐND ở cả cấp tỉnh và cấp xã; quyền hạn của Thường trực HĐND trong điều hành ngân sách đối với các nhiệm vụ cụ thể, cấp bách. Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp xã cũng cần phù hợp với thực tiễn địa phương và định hướng tinh gọn bộ máy.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh cần rà soát kỹ Điều 54 và các quy định liên quan đến việc chuyển tiếp từ mô hình chính quyền ba cấp sang hai cấp. Việc này nhằm bảo đảm không xảy ra khoảng trống pháp lý, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, đồng thời đảm bảo hoạt động của người dân, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề nêu trên để hoàn thiện dự án Luật trước khi thông qua.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-noi-vu-4-dot-pha-lon-de-xay-dung-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-post848320.html