Bộ trưởng Nội vụ: Áp KPI cho cán bộ, công chức phải xây dựng từ thực tiễn
Chính phủ sẽ ban hành nghị định sử dụng KPI để đánh giá cán bộ, tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng tiêu chí đánh giá phải được xây dựng từ thực tiễn.
Thông tin trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập khi phát biểu kết luận hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Nội vụ, diễn ra ngày 25/7.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Hải Long)
Bộ trưởng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội vụ trong thời gian tới là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trước mắt, ngành Nội vụ chú trọng tham mưu tạm thời tăng cường bổ sung cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những chuyên ngành sâu cho cấp xã.
Bên cạnh đó, đánh giá cán bộ, công chức cấp xã một cách công khai, dân chủ, chính xác để khẩn trương cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với thực hiện chính sách hiện có. Trong đó cần đặc biệt lưu ý giữ chân cán bộ có năng lực.
"Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định sử dụng KPI để đánh giá cán bộ, tuy nhiên, tiêu chí phải được xây dựng từ thực tiễn. Cùng với đó, chúng ta phải quan tâm công tác tư tưởng, động viên, chú trọng nơi ăn ở, bảo đảm ổn định cuộc sống cho đội ngũ cán bộ, công chức khi di chuyển đến trung tâm hành chính mới", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, yếu tố đặc thù... để xác định số lượng biên chế cho các địa phương.
Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng cho biết đã có 28 nghị định được ban hành, trong đó các bộ, ngành tích hợp đầy đủ trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện, nên sẽ không ban hành thêm thông tư hướng dẫn.
Tư lệnh ngành Nội vụ khuyến khích các địa phương đủ năng lực mạnh dạn đề xuất tiếp tục được phân cấp, phân quyền, nhưng trước hết cần thực hiện tốt những nội dung đã được giao.
Bà Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các địa phương bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho quá trình vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt đối với cấp xã.
Về việc này, Bộ Nội vụ đã xây dựng tổ phản ứng nhanh do Thứ trưởng Trương Hải Long làm tổ trưởng để xử lý tất cả những vướng mắc, khó khăn kịp thời.
"Các đồng chí không phải ngại ngần, không phải băn khoăn, hãy coi như chúng ta đang ở chung một mái nhà để sẵn sàng đồng hành, không có phân biệt Trung ương với địa phương để đạt được mục tiêu lớn nhất, đó là đạt hiệu quả trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp", Bộ trưởng nói.
Đề cập đến vấn đề nhà công vụ và trụ sở của hệ thống chính trị cấp xã sau sắp xếp, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể với lộ trình từ nay đến năm 2030 sẽ quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực để có trụ sở cấp xã đáp ứng được yêu cầu vận hành.
Chính phủ cũng giao các địa phương quan tâm đến nhà công vụ và giải quyết chế độ chính sách cho công chức, viên chức chịu sự tác động trực tiếp sắp xếp tổ chức bộ máy một cách kịp thời.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tập trung ưu tiên cho hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.
"Đây là hình ảnh hiện thân sinh động nhất để gần dân, phục vụ người dân. Ví dụ như Hà Nội đã xây dựng một hệ thống trung tâm hành chính công rất phù hợp. Còn những nơi khác tùy theo điều kiện thực tiễn của địa phương để đạt hiệu quả phục vụ cao nhất. Đồng thời, ưu tiên để bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, tận tình với công việc để thực hiện nhiệm vụ trên", bà Phạm Thị Thanh Trà nói thêm.