Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Cần hành động không hối tiếc' với cơn bão mạnh nhất 10 năm qua

Tại buổi họp ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải hành động không hối tiếc với cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Bão số 3 có thể mạnh lên thành siêu bão

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đến 14 giờ chiều nay, 4/9, bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 710 km và ở cường độ cấp 12, giật cấp 15.

Đến 16 giờ chiều nay, cuồng phong bão số 3 đã mạnh lên cấp 12-13 (118-149 km/h), giật cấp 16. Như vậy, so với thời điểm trưa nay, bão đã mạnh thêm một cấp.

Tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 680 km về phía Đông. Bão di chuyển chậm với tốc độ 5-10 km/giờ, theo hướng Tây Tây Bắc.

Bản đồ dự báo đường đi của bão số 3.

Bản đồ dự báo đường đi của bão số 3.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, đêm 6/9, bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc bộ, cường độ ở cấp 12 - cấp 13, giật cấp 15. Khu vực Bắc Trung bộ có gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 12. Cạnh đó, từ ngày 7 - 9/9 sẽ xảy ra một đợt mưa lớn ở Bắc Bộ.

Theo ông Khiêm, hiện khu vực bắc Biển Đông đã có gió mạnh cấp 11 - cấp 13, giật cấp 16. Từ ngày mai có thể lên cấp 14 - cấp 15, không loại trừ khả năng có thể cao hơn nữa. Trên đất liền, từ trưa 7/9, Quảng Ninh - Nam Định, đặc biệt là Nam Định sẽ là trọng tâm có gió cấp 9 - cấp 11, giật cấp 13. Lượng mưa do ảnh hưởng của bão sẽ từ 200 - 500 mm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hơn 24 giờ khi vào Biển Đông, bão đã tăng 4 cấp (từ cấp 8 - cấp 12). Hiện nay, trên khu vực Biển Đông đang có nền nhiệt độ khoảng 30 độ C, các điều kiện khí tượng đều thuận lợi để kích hoạt khả năng bão này có thể mạnh thêm.

Trong 24 giờ qua, xu thế tăng của bão đã đúng so với nhận định của cơ quan khí tượng. Trong 24 - 48 giờ tới, bão số 3 sẽ tiếp tục tăng cấp cho đến khi tiếp cận gần khu vực phía đông đảo Hải Nam. Với điều kiện như vậy, dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất về mặt quỹ đạo cũng như cường độ.

Theo ông Khiêm các dự báo quốc tế hiện đã dự báo cho bão mạnh lên cấp 16, thậm chí cao hơn và có thể đạt cấp siêu bão. Trong khi đó cơ quan khí tượng cũng đã cập nhật trong khoảng 24 - 36 giờ tới, cơn bão số 3 tăng lên cấp 15.

Ông Khiêm cho rằng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tính toán đến phương án bão số 3 lên cấp 16, tương đương với siêu bão. Cơ quan khí tượng đang xem xét từ giờ đến chiều tối nay, nếu các phương án tính toán thống nhất thì có khả năng phải cập nhật dự báo trong 2 ngày tới, bão có thể tăng cấp hơn nữa, không chỉ ở cấp 15, thậm chí ở cấp 16. Trường hợp bão mạnh cấp 16 thì phương án chỉ đạo phải thay đổi vì mức độ rủi rủ thiên tai sẽ ở cấp 5 (cấp thảm họa). Việc này cơ quan khí tượng sẽ cân nhắc và công bố trong bản tin tiếp theo.

"Gió mạnh, mưa lớn phụ thuộc vào hướng di chuyển của cơn bão này khi vào vịnh Bắc bộ. Trường hợp lệch lên phía bắc khoảng 50 - 100 km thì khả năng tác động cũng sẽ khác. Trường hợp nếu bão lệch xuống phía nam khoảng 50 km thì hoàn lưu bão mạnh bao trùm lên khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cả Hà Nội sẽ có những tác động xấu. Với gió mạnh của cơn bão như vậy thì sóng của cơn bão sẽ ở mức 9m, sau tăng lên 9 - 11m", ông Khiêm nói thêm.

"Cần phải hành động không hối tiếc"

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, theo dự báo đến thời điểm hiện tại thì đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng rộng cả miền Bắc. Khu vực bão đổ bộ là trọng điểm phát triển kinh tế của miền Bắc, trong đó có nông nghiệp. Hiện khu vực này có hơn 20 ngàn lồng cá, 1 triệu ha lúa mùa, trong đó có gần 500 ngàn ha đang trổ bông, chỉ cần ngập một ngày là hỏng…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ngoài về phát triển kinh tế, tình trạng ngập úng ở cả đô thị, đồng bằng và sạt lở ở miền núi cũng là vấn đề rất lớn. Không loại trừ các khu đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ ngập nặng nếu mưa lớn.

Tại buổi họp ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Tại buổi họp ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu có gió cấp 11, giật cấp 13 đổ bộ Hà Nội mà không chằng buộc thì chắc chắn mái tôn, cửa kính sẽ bay không khác gì có chiến tranh. Đây là vấn đến chúng ta không mong muốn nhưng phải tính toán để có kịch bản.

Ông Hiệp yêu cầu các tỉnh không chủ quan vì nhiều năm nay mới có bão mạnh. Các địa phương cần chủ động cắt tỉa cây xanh, chằng, chống nhà cửa, với cấp độ bão thế này thì kịch bản di dân, di dân đi chỗ nào... để hạn chế tối đa về người, tài sản.

Thứ trưởng Hiệp đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cố gắng dự báo, cung cấp thông tin sớm và chính xác nhất có thể. Nếu ở mức độ rủi ro thiên tai như hiện nay, tức rủi ro ở cấp độ 4, Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với cơn bão, từ đó chỉ đạo các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An để chủ động ứng phó bão. Tuy nhiên, nếu rủi ro thiên tai ở cấp 5 thì phương án ứng phó bão sẽ có nhiều thay đổi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đánh giá, đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, với cấp độ thiên tai như hiện tại, "cần phải hành động không hối tiếc".

"Các địa phương cần chủ động đưa ra các tình huống, kịch bản để hạn chế rủi ro tính mạng, tài sản của người dân, hạ tầng đô thị, nông nghiệp, viễn thông, đê biển, đê sông. Kể cả những điểm doanh trại, đồn biên phòng có thể dùng để di dời người dân. Cạnh đó, cần cấm biển, cấm những hoạt động đông người, họp chợ, ngày khai trường, khai giảng nếu thời tiết xấu", ông Hoan nhấn mạnh.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-nong-nghiep-can-hanh-dong-khong-hoi-tiec-voi-con-bao-manh-nhat-10-nam-qua-19224090419311425.htm