Bộ trưởng Nông nghiệp: Chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị trước khi bão Yagi đổ bộ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trước khi bão Yagi đổ bộ.

Chiều nay (5/9), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và 12 bộ ngành liên quan để triển khai công tác ứng phó với siêu bão số 3 (Yagi).

Cấm biển từ ngày mai 6/9

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cơ quan thường trực ứng phó bão số 3 cho biết đã có 51.000 tàu cá và hơn 90.000 người đã được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 3. Các phương tiện đang di chuyển tránh trú về nơi an toàn. Từ ngày mai 6/9, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ cấm biển. Riêng Ninh Bình cấm biển từ hôm nay.

Về tình hình hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, ông Phạm Đức Luận cho biết có 3 hồ cao hơn mức trước lũ, riêng hồ Hòa Bình cao nhất, khoảng hơn 1m. Hiện, cả 3 hồ đang cho xả đáy để ứng phó bão.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai. (Ảnh: Đình Hiếu)

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai. (Ảnh: Đình Hiếu)

Trước sức gió giật có thể đến cấp 14, hệ thống đê điều có thể gặp vấn đề. Do đó, địa phương cần sớm có phương án tu bổ điểm xung yếu, đồng thời tăng cường nạo vét kênh, mương, hệ thống tiêu thoát nước.

Theo đó, Hải Phòng là địa phương có nhiều điểm đê xung yếu nhất trong đợt bão này (10 điểm), ngoài ra còn có các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh… Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo sát địa phương để phòng, chống chủ động.

Về công tác phòng chống bão số 3, ông Phạm Đức Luận cho hay, các tuyến biển, đảo, cần tập trung kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.

Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân). Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, ông Luận yêu cầu di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tùy theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế.

Người dân nên ở nhà tránh bão từ sáng thứ 7

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Do đó, ngay từ bây giờ, ông Hoan kêu gọi phải ưu tiên những việc giúp ích trực tiếp cho người dân, nhất là tại vùng tâm bão đi qua tại Quảng Ninh, Hải Phòng.

Người dân cần cập nhật định kỳ thông tin về bão số 3. Riêng trong ngày thứ Bảy (7/9), lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị mọi người trong vùng hoàn lưu bão ở nhà, tránh ra đường.

Ông Hoan cũng cho hay, trong ngày mai, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về các tỉnh kiểm tra các nơi xung yếu, đơn cử như Quảng Ninh có nhiều hầm lò khai thác than, dễ bị ảnh hưởng từ các trận mưa kéo dài.

Người dân cần chủ động phòng tránh bão chằng chống nhà cửa. (Ảnh minh họa: Ngọc Vũ)

Người dân cần chủ động phòng tránh bão chằng chống nhà cửa. (Ảnh minh họa: Ngọc Vũ)

Phát biểu kết luận tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh bão số 3 khó dự báo, trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão.

Để phòng chống hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân. Ví dụ, cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao, không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.

Ngoài dự báo về bão, Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải có sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan. Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động, sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý hoàn lưu bão số 3, với sức gió mạnh, tầm ảnh hưởng rộng, tình trạng ngập úng, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ quan khí tượng gấp rút làm bản đồ về lũ gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.

Đối với các tỉnh vùng cao, Phó thủ tướng yêu cầu cần cập nhật thường xuyên bản đồ dự báo về lũ quét, lũ ống, nguy cơ sạt lở, đứt gãy địa chất. Từ đó di dời dân cư ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Yêu cầu từ nay đến trưa mai, nếu còn người dân ở khu vực nguy hiểm không chịu di dời thì phải cưỡng chế đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn cho người dân.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với phương châm của Bộ NN&PTNT về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão đồng thời yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-nong-nghiep-chi-con-24-gio-de-chuan-bi-truoc-khi-bao-yagi-do-bo-192240905173039494.htm