Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cố gắng để SGK lớp 2, lớp 6 không có 'sạn'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc biên soạn SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ được làm cẩn thận, rút kinh nghiệm từ SGK lớp 1. Khâu biên soạn sách phải sàng lọc kỹ và cố gắng không để có 'sạn'.
Hôm qua (28/11), Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp với Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới".
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2020 là chuẩn bị thay thế SGK lớp 2 và lớp 6.
Ông Nhạ cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm từ việc làm SGK lớp 1 khi có một số tồn tại như thời gian gấp gáp và nhiều lý do khác.
Để đảm bảo chất lượng SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các tác giả, nhà xuất bản chú trọng các khâu từ biên soạn đến phát hành mẫu SGK phải được làm cẩn thận, bám sát chương trình.
“Ngôn ngữ sách phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp lứa tuổi... bởi đây là vấn đề vô cùng quan trọng. Cố gắng không có "sạn" về văn hóa, chính trị, tín ngưỡng… nên phải sàng lọc rất kỹ”, Bộ trưởng Nhạ lưu ý.
Cũng theo ông Nhạ, công tác chuẩn bị biên soạn SGK sẽ trải qua nhiều vòng. Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn đề nghị mỗi Sở chọn 10 giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết góp ý nội dung từng môn học.
“Trước đây, làm xong sách, giáo viên mới được xem. Giờ đây, trước khi in sách, giáo viên được tiếp cận rất kỹ và sau đó góp ý, nếu phát hiện vấn đề sẽ đính chính. Qua các vòng và qua ý kiến, sách sẽ tốt lên. Đây là nhiệm vụ, quyền lợi và cũng là trách nhiệm của giáo viên và không ai làm thay được”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhận định, trong lần đầu tiên thay SGK lớp 1 sẽ khó tránh khỏi thiếu sót và qua thực tiễn mới có thể kiểm định được.
"Hết năm học này, Bộ GD-ĐT có kế hoạch khảo sát, đánh giá, tổng kết theo hình thức "cuốn chiếu”; theo thời gian mới dần hoàn thiện và phải nhìn theo hướng tích cực. Toàn ngành cần vững vàng trong lộ trình, kiên định nhưng cầu thị lắng nghe, tránh "đẽo cày giữa đường", cực đoan… Việc thực hiện ở đâu đó chưa hoàn chỉnh, cần tiếp thu trên cơ sở khoa học, tránh im lặng dẫn tới dư luận hiểu chưa đúng”, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay, trải qua một năm học khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ miền Trung… nhưng ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép và được xã hội, nhân dân đánh giá cao.
“Khởi đầu năm học khoảng 3 tháng về cơ bản là tốt nhưng có một số không thuận lợi dẫn tới hình ảnh của ngành đâu đó bị ảnh hưởng. Thực hiện sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện, chúng ta khó tránh khỏi những thiếu sót nhưng phải vững vàng, có niềm tin vào đổi mới, vào những gì đã, đang và sẽ làm theo đúng đường lối chính sách của Đảng”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới phải được thực hiện toàn diện, tăng cường thời gian dạy học sinh về đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng. Đặc biệt về kỹ năng sống, tránh tình trạng học lệch, chỉ chú ý thi cử.