Người thầy tâm huyết ở ngôi trường đặc biệt

Những đứa trẻ từng có quá khứ bất hảo, vi phạm pháp luật, nhưng tuổi còn vị thành niên đã được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) để giáo dục, chúng vẫn mang tính cách ngỗ ngược, khó bảo, thậm chí chống đối, gây sự với thầy cô. Dạy dỗ những học trò 'đặc biệt' này, Đại úy Trần Đại Lượng đã dùng tình thương ấm áp của người anh, người chú trong gia đình để gần gũi, cảm hóa, giáo dục, uốn nắn những 'cành cong' nên người.

11 năm làm thầy giáo ở ngôi trường đặc biệt, anh đã gieo trồng lại mầm thiện trên những trang đời bất hảo, giúp nhiều cuộc đời lầm lỡ hồi sinh, có một công việc chính đáng nuôi sống bản thân, sống có ích cho gia đình và xã hội. Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Trần Đại Lượng đã được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 và “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức.

“Từng định bỏ cuộc”

Hơn 9h tối, nghe tiếng trẻ ê a vang lên trong căn phòng nhỏ, hỏi ra tôi mới biết, hôm nay là ca trực của thầy giáo, Đại úy Trần Đại Lượng, chủ nhiệm lớp Cơ khí, Trường Giáo dưỡng số 2 (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng, Bộ Công an), đặt tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Vợ thầy Lượng công tác ở Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), hôm nào cả hai vợ chồng cùng trực đêm, anh phải đưa con nhỏ 3 tuổi theo bố tới trường. Với anh, Trường Giáo dưỡng số 2 như ngôi nhà thứ hai, gắn bó như máu thịt, bởi nơi đây có những học sinh lầm lỡ mà anh coi chúng như những đứa con của mình để dìu dắt, bảo ban, truyền dạy kỹ năng nghề hàn, mong chúng hoàn lương, trở thành những con người phục thiện, sống có ích.

Giờ dạy thực hành của thầy giáo Trần Đại Lượng

Giờ dạy thực hành của thầy giáo Trần Đại Lượng

Tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Nam Định, chàng sinh viên trẻ Trần Đại Lượng về nhận công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2. Ngày đầu vào trường, thầy giáo trẻ bị “choáng” bởi học sinh đều cá biệt, phần lớn quen với lối sống buông thả, tính cách ngỗ ngược, bất hảo, vi phạm pháp luật từ trộm cắp, đua xe, mại dâm, đến mua bán ma túy, thậm chí giết người. Có em là “đại ca”, dân “anh chị” trong giang hồ. Khi vào trường, mọi sinh hoạt phải chấp hành theo trật tự kỷ cương nên nhiều em quậy phá, gây rối, đánh nhau, từ chối sự giáo dục của thầy cô, vô lễ với giáo viên.

“Những ngày đầu em nản lắm, học trò với những trang đời bất hảo luôn thường trực thái độ bất cần, thiếu hợp tác, lười học, ngại học. Nhiều khi em cảm thấy áp lực, căng thẳng, tưởng chừng không thể dạy hết tiết học. Có những lúc em nghĩ, hay là bỏ cuộc. Nhưng, với suy nghĩ và niềm tin khi đến với nghề giáo là cứu cuộc đời các em, là đem lại hạnh phúc cho gia đình các em, đem lại sự bình yên cho xã hội, nên sau một thời gian ngắn, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị, sự giúp đỡ chân tình đầy trách nhiệm của đồng chí, đồng đội, em đã dần thích nghi với công việc”, thầy giáo Lượng chia sẻ.

Mỗi ngày tiếp xúc với những học trò cá biệt, thầy giáo Lượng lại càng hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa nhân văn mà chương trình giáo dục ở ngôi trường này mang lại cho những cuộc đời lầm lỡ. Tới Trường Giáo dưỡng số 2, ngoài học văn hóa, các em còn được rèn giũa nề nếp, tác phong, “học ăn, học nói” và học nghề. Khi vào đây, nhiều em người dân tộc lớn lộc ngộc 14-15 tuổi nhưng chưa biết chữ và phải bắt đầu học từ lớp 1. Có em học trước quên sau, hôm nay biết ghép vần, nhưng ngày mai hỏi lại không nhớ. Có em học tới vài tháng cũng chưa biết đọc. Bằng tình thương yêu, cộng với sự nghiêm khắc, kiên trì, nhẫn nại, các thầy cô dạy chúng biết chữ cái, ghép vần, làm toán. Để giáo dục, dạy dỗ học sinh “đặc biệt” thành người là khổ công của những người thầy ở đây. Họ phải đánh đổi mồ hôi, công sức mới hướng thiện được một con người lạc đường đi đúng hướng.

Từ một thầy giáo trẻ, với lòng say mê nghề nghiệp và tấm lòng của một người anh, người thầy đối với những học sinh, 11 năm qua, lớp cơ khí của thầy Lượng đã có nhiều thế hệ học sinh ra trường, nhiều em tốt nghiệp loại giỏi, trở về hòa nhập đã tự mình mở xưởng làm chủ, sống lương thiện, có ích.

Thầy Dạy các em học nội vụ.

Thầy Dạy các em học nội vụ.

Dùng tình thương để uốn nắn những “cành cong”

Lớp hàn của thầy Lượng có 15 học sinh nam, đều là những em đã được “tuyển chọn” sau thời gian tham gia học tập ở Đội 1 (lớp học nội quy). Những học sinh này phải là những người chấp hành nội quy, kỷ luật tốt, có nề nếp, tác phong nhanh nhẹn, có chút năng khiếu về môn kỹ thuật, được thầy Lượng đào tạo nghề hàn, khi ra trường các em có tay nghề vững vàng để tái hòa nhập. Mỗi giờ lên lớp, thầy luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với đối tượng trong những tiết học lý thuyết. Giờ thực hành, thầy cầm tay chỉ dạy, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật cho học sinh.

Để giúp các em thoát khỏi quá khứ, khi ra xã hội có một công việc, thầy Lượng cũng như nhiều thầy, cô giáo đều thông qua mỗi bài giảng, không chỉ truyền dạy kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, mà tình yêu thương trách nhiệm với nghề của người giáo viên còn đưa các em học sinh đến gần thầy cô hơn; các em đã chủ động chia sẻ những tâm tư, tình cảm và nói lên những mong ước, suy nghĩ của mình. Đó chính là sợi dây thiêng liêng gắn bó thầy và trò. Đại úy Trần Đại Lượng chia sẻ: Hòa đồng được với các em là thành công quan trọng nhất, bởi sự tác động bằng tình cảm sẽ giúp các em thấy được lỗi lầm của mình, gạt bỏ được mặc cảm, cố gắng sửa chữa để trở về với gia đình, hòa nhập xã hội.

Trong “gia sản” của thầy Lượng, cậu học trò được gieo mầm thiện trong quá trình học tập, giáo dục, đã trở thành công dân tốt luôn được anh nhắc đến là Hoàng Minh Nghĩa (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Khi phạm tội gây rối trật tự công cộng, Nghĩa mới 17 tuổi. Học tập ở Đội 1, cậu thiếu niên luôn tỏ ra thờ ơ với bạn bè và mọi thứ xung quanh. Qua quan sát, thầy Lượng thấy cậu bé này tư duy nhanh nhẹn, có năng khiếu nên đã gợi ý cậu học nghề cơ khí. Nhưng, Nghĩa đã lấy lý do “em học rồi” để từ chối. Với tính khí bất cần, cậu ta luôn tỏ ra chống đối, ngại học và không muốn học. Hết thời gian ở Đội 1, Nghĩa sang đội khác, do nhanh nhẹn nên được chọn vào Đội Sao đỏ của trường.

5 tháng sau, thầy Lượng gặp lại Nghĩa và bất ngờ khi học trò này chủ động đề nghị được học nghề cơ khí hàn. Tôi hỏi em sao lại thay đổi? Nghĩa nói thời gian qua em đã ý thức được học nghề sẽ tốt cho cuộc sống sau này nên tự viết đơn xin học, thầy Lượng kể. Với năng khiếu bẩm sinh, Nghĩa học đâu biết đó, rất chăm chỉ. Chẳng mấy chốc, cậu đã thành thạo các kỹ thuật và tốt nghiệp bằng giỏi, được ra trường trước thời hạn. Vì là “hạt giống quý”, thầy Lượng giữ cậu ở lại làm lớp trưởng 2 khóa tiếp theo.

“Động lực lớn nhất của người thầy giáo chính là các em tốt nghiệp loại khá, giỏi, sau khi ra trường có thành quả với nghề mà thầy đã truyền dạy, biết đi bằng nghề đã học, sống có ích cho gia đình và xã hội”, Đại úy Lượng chia sẻ. Ngày mở xưởng cơ khí chuyên làm then hoa, cửa xếp, mái tôn, biển quảng cáo, nhôm kính tại Từ Sơn, Bắc Ninh, cậu học trò đã gọi điện chia sẻ niềm vui với thầy là ngày mà Đại úy Lượng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bởi, công lao và khổ lao rèn giũa một học sinh đặc biệt lên người, trưởng thành, chính là món quà vô giá nhất của người thầy giáo ở ngôi trường đặc biệt như Trường Giáo dưỡng số 2. Cậu học trò Nghĩa tâm sự: “Em muốn giúp đỡ các bạn cùng cảnh như em có việc làm để làm lại cuộc đời, đây cũng là cách trả ơn những người thầy đã uốn nắn, dạy dỗ em có được ngày hôm nay”.

Từ một đứa trẻ bất trị, ngỗ ngược, Nghĩa đã hoàn lương, làm chủ một xưởng cơ khí, tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ, trong đó có 5 học viên ở Trường Giáo dưỡng số 2.

Trong tiết học lý thuyết, thầy Lượng xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với các em.

Trong tiết học lý thuyết, thầy Lượng xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với các em.

Cũng có năng khiếu nghề hàn như Nghĩa, nhưng Triệu Đức Vinh (16 tuổi, Hoàng Su Phì, Hà Giang) phải vào Trường Giáo dưỡng số 2 khi làm bạn gái (15 tuổi) có bầu. Những ngày đầu vào trường, Vinh luôn buồn bã vì nhớ bạn gái. Khi người yêu sinh con, cậu lại nhớ con, tinh thần sa sút, không lúc nào vui vẻ. Thầy Lượng không khỏi chạnh lòng khi nhìn khuôn mặt luôn buồn bã của cậu học trò. Anh gần gũi động viên tinh thần cậu, lâu dần Vinh cảm nhận được sự thân thiết như tìm thấy tình thân ở thầy giáo. Cậu bắt đầu bộc bạch, tâm sự chuyện gia đình. Nhờ sự động viên và khích lệ của thầy, Vinh tiến bộ nhanh chóng, em được chọn vào Đội Sao đỏ và trở thành học viên ưu tú, gương mẫu đi đầu. “Em ấy không chỉ có năng khiếu học nghề hàn, mà còn rất chịu khó học tập và học giỏi. Biết bản thân khi trở về xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn nên em luôn nỗ lực học tập để sau này sống được bằng nghề. Đây cũng là học sinh tốt nghiệp loại giỏi của trường”, thầy Lượng cho biết.

Sau khi trở về, Vinh đã tới làm thợ ở xưởng của Nghĩa. Một năm sau, với kinh nghiệm cùng số tiền dành dụm được, Vinh trở về quê, mua máy hàn, máy cắt sống lương thiện bằng chính nghề đã được học tại trường để phục vụ bà con trong bản.

“Dạy học cho những trẻ em từng có hành vi vi phạm pháp luật còn là một nghề đặc biệt, nhiều khó khăn gian khổ, lặng lẽ, âm thầm nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc. Có lẽ từ mối liên tưởng gieo mầm, ươm giống làm nên chồi xanh hy vọng mà chúng tôi luôn coi mình là những người “gieo trồng lại mầm thiện trên những trang đời bất hảo”, luôn xác định dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt và sẽ là tấm gương về đạo đức, tự học, sáng tạo cho học sinh noi theo”, thầy giáo Trần Đại Lượng tâm sự.

Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, Đại úy Trần Đại Lượng đã trực tiếp giảng dạy 12 lớp học nghề với gần 300 học sinh được cấp chứng chỉ nghề hàn. Niềm vui của người giáo viên ở ngôi trường “đặc biệt” là những cánh thư, những cuộc điện thoại các em báo về sau khi ra trường, biết các em đã đi làm, đã mở xưởng cơ khí, sống lương thiện nhờ nghề đã được thầy cô truyền dạy, Đại úy Lượng thấy công việc của mình và các đồng đội thực sự có ý nghĩa.

“Nhiều em ra trường nhưng có việc gì khúc mắc là gọi điện hỏi thầy em phải làm thế nào, hoặc chỉ để báo tin vui nho nhỏ, cũng có khi là khoe em mua được xe rồi, hay viết bài trên Facebook tag thầy giáo, đó là những “bông hoa tượng trưng” chúc mừng thầy Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 rồi. Sự trưởng thành của các em chính là động lực, niềm vui tiếp thêm sức mạnh để em cũng như các giáo viên của trường bước tiếp trên hành trình gieo mầm thiện, vững bước trong sự nghiệp cao cả”, thầy giáo Trần Đại Lượng bày tỏ.

Trần Hằng - Nguyễn Hương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nguoi-thay-tam-huyet-o-ngoi-truong-dac-biet-i750494/