Trong bối cảnh giá khí đốt cao ở châu Âu, nguyên nhân là do thiếu "nhiên liệu xanh" trong các cơ sở lưu trữ do mùa đông lạnh giá và mùa hè nóng bức vừa qua, sự chỉ trích tiếp tục hướng vào Nga.
Một số chính trị gia và chuyên gia địa phương đang cố gắng cáo buộc Nga "tống tiền" châu Âu vào đêm trước ngày vận hành của Nord Stream 2. Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace rất tđồng ý quan điểm này.
Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu được đáp ứng bởi công ty Gazprom của Nga, vì vậy việc một số nhà phân tích đổ lỗi cho Moskva về cuộc khủng hoảng khí đốt không có gì đáng ngạc nhiên.
"Chúng tôi thấy một số quốc gia sử dụng năng lượng, di cư, tội phạm mạng và tội phạm có tổ chức làm vũ khí, trong đó năng lượng ở vị trí đầu tiên", ông Wallace khẳng định, ám chỉ rõ ràng về Điện Kremlin.
Ngoài ra, ông Tobias Ellwood - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Anh cũng tin rằng Moskva đang sử dụng vị thế độc quyền của mình để áp đặt chính sách đối với Đông Âu thông qua nguồn cung cấp khí đốt.
Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng quản trị của Gazprom - ông Alexey Miller đã chỉ ra rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ theo hợp đồng để vận chuyển nhiên liệu đến người tiêu dùng EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng Nga không can dự vào việc tăng giá khí đốt trên thị trường châu Âu. Đặc biệt họ nhấn mạnh nếu Nga chỉ là nguyên nhân thì tại sao loại nhiên liệu này không chỉ tăng giá ở châu Âu, mà còn ở châu Á?
Trong lúc này dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga lại thu hút được sự quan tâm, nhưng "Nord Stream 2 không thể bị dừng lại", ý kiến trên được ông Daniel Chizhevsky - một chuyên gia năng lượng người Ba Lan cho biết.
Trên sóng Đài phát thanh Polskie, ông Chizhevsky thừa nhận Warsaw không thể làm chậm quá trình hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, thời điểm chính thức vận hành sẽ diễn ra bất chấp mong muốn của chính quyền Ba Lan.
Châu Âu hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng do giá nhiên liệu tăng mạnh. Tình trạng thiếu khí đốt khiến người dân hoảng sợ bởi thời tiết giá lạnh đang đến gần và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, điều này được phản ánh rõ trong hóa đơn điện nước.
"Hai năm trước, Nga cung cấp 40% tổng lượng khí đốt cho các nước châu Âu tiêu thụ. Chúng tôi kỳ vọng sau khi vận hành Nord Stream 2, tổng khối lượng sẽ tăng lên 50%, điều này đưa Nga đến gần hơn với một loại hình độc quyền", chuyên gia Ba Lan nói rõ.
Ông Chizhevsky bình luận, cách duy nhất để trì hoãn chứng nhận tiêu chuẩn cho Nord Stream 2 là gây áp lực đến công ty dầu lửa PGNiG của Ba Lan thông qua các cơ quan có liên quan của EU.
Tuy nhiên nhà phân tích thừa nhận: "Trên thực tế, một đường ống dẫn khí đốt mới đã được xây dựng và nhiên liệu đang được bơm vào. Do vậy bất kỳ ý định nào của Ba Lan cũng đều dẫn đến thất bại".
Ngoài ra phải nhấn mạnh rằng trước đó ở Berlin, họ đã từ chối đưa ra những biện pháp trừng phạt mới liên quan đến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Theo Chính phủ Đức, các chính trị gia nước này đang nỗ lực hết sức trong cuộc đàm phán với Nhà Trắng để ngăn chặn những lệnh trừng phạt có thể xảy ra trong tương lai.
Ông Zbigniew Kuzmuk - một nghị sĩ Ba Lan thuộc đảng Luật pháp và Công lý tin rằng đại diện các cơ quan chức năng của Đức sẽ được hưởng lợi từ vai trò trung gian thương mại khí đốt ở châu Âu, nếu Đức trở thành một kênh cung cấp nguyên liệu thô, lợi ích quá lớn để họ chịu từ bỏ.
Việt Dũng