Bộ trưởng Quốc phòng Iran sắp sang Nga để thảo luận việc mua hệ thống S-400
Avia-pro ngày 20-8 đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Khatami sẽ thăm Nga trong những ngày tới để thảo luận về việc mua các vũ khí Nga, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Iran không chỉ có ý định thu thập thông tin về vũ khí hiện đại của Nga mà còn ký kết nhiều hợp đồng với Matxcơva. Mối quan tâm lớn nhất đối với Tehran là hệ thống phòng không S-400, máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57, xe tăng T-90...
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Khatami dự kiến sẽ tham dự khai mạc Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế Army-2020 vào cuối tuần này, và sẽ tổ chức một số cuộc họp tại Matxcơva, thảo luận về việc mua một số vũ khí Nga. Được biết, năm 2016, Nga đã hoàn thành hợp đồng cung cấp cho Iran hệ thống phòng không tầm xa S-300.
Các chuyên gia quân sự lưu ý, ngày nay, mối nguy hiểm lớn nhất đối với Iran là các máy bay chiến đấu F-35, vốn đã nhiều lần được Mỹ và Israel sử dụng để tấn công các cơ sở quân sự của Iran ở Iraq, Syria. Chính vì vậy, để "sẵn sàng đương đầu trước các mối đe dọa bên ngoài", Tehran rất quan tâm đến việc mua S-400 và các máy bay chiến đấu của Nga, họ đánh giá cao khả năng của các thiết bị quân sự hiện đại này.
Trước đó, hãng tin Al Manar ngày 19-8 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami khẳng định nước này sẽ khởi động việc xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài khi các lệnh cấm vận quốc tế được dỡ bỏ.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này có thể mua sắm trang thiết bị quốc phòng từ các nước hoặc xuất khẩu vũ khí một cách chính thức cho các đồng minh ngay khi lệnh cấm vận hết hạn.
Hoạt động trên của Bộ trưởng Quốc phòng Iran diễn ra trong bối cảnh Mỹ yêu cầu khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm vào Iran.
Theo Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ về thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), lệnh cấm vận vũ khí quốc tế nhằm vào Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Đây được xem là nội dung quan trọng của văn kiện, và phía Iran đã mong chờ ngày này suốt nhiều năm qua.
Mỹ gần đây kêu gọi gia hạn lệnh trừng phạt này vì cho rằng, Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc cho rằng, Mỹ không còn là một bên của thỏa thuận nên không có quyền yêu cầu gia hạn lệnh cấm. Hai nước lo ngại các biện pháp gây sức ép theo kiểu "dồn Iran vào chân tường" sẽ khiến thỏa thuận hạt nhân sụp đổ toàn diện.
Trong cuộc bỏ phiếu về đề nghị của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran tại HĐBA ngày 14-8, Washington chỉ nhận được lá phiếu ủng hộ duy nhất của Cộng hòa Dominica. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, trong khi toàn bộ 11 thành viên còn lại đều bỏ phiếu trắng. Ngay sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, HĐBA không hành động dứt khoát để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định, Iran sẽ khiến tình hình hỗn loạn lan rộng hơn nữa nếu lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực.
Việc đề xuất của Mỹ chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ cho thấy, Mỹ ngày càng đơn độc trong vấn đề hạt nhân của Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5-2018.