Bộ trưởng Quốc phòng Israel phản đối ý định kiểm soát Gaza sau xung đột
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 15/5 tuyên bố phản đối việc Israel nhận trách nhiệm quân sự hoặc dân sự trong quá trình quản lý Dải Gaza sau khi cuộc chiến hiện nay kết thúc.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Gallant nêu rõ: “Tôi đã yêu cầu tìm kiếm giải pháp thay thế khác cho Hamas trong công tác quản lý Gaza, nhưng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Xin được nhắc lại và nói rõ, tôi sẽ không đồng ý thành lập chính quyền quân sự Israel ở Gaza; Israel cũng không được phép thực hiện quyền kiểm soát dân sự đối với Dải Gaza”.
Cùng ngày, thành viên Nội các chiến tranh Benny Gantz cũng lên tiếng ủng hộ việc Bộ trưởng Gallant công khai phản đối cách tiếp cận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đối với kế hoạch Gaza thời hậu chiến. Ông Gantz cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã nói lên sự thật, đồng thời nhấn mạnh: “Trách nhiệm của lãnh đạo là làm điều đúng đắn cho đất nước, bằng bất cứ giá nào”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã hối thúc cộng đồng quốc tế triển khai những hành động cụ thể nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza và khôi phục hòa bình, ổn định trong khu vực.
Kênh truyền hình Al Qahera News dẫn lời Ngoại trưởng Shoukry nêu rõ Cairo đã kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và hối thúc thực hiện các hành động để ngăn chặn tình trạng người Palestine ở Dải Gaza buộc phải di dời do tác động của cuộc xung đột hiện nay.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm buộc Israel chấm dứt chiến tranh và cứu những người dân Palestine vô tội.
Ngoại trưởng Shoukry lưu ý “cho đến nay, chưa có phát ngôn nào của cộng đồng quốc tế được chuyển thành hành động”. Ông cũng cảnh báo về sự tiếp diễn các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, cũng như chiều hướng mở rộng xung đột sang TP Rafah, phía Nam Gaza; đồng thời chỉ ra những hậu quả thảm khốc của giao tranh đối với tình hình nhân đạo ở dải đất ven Địa Trung Hải này.
Theo nhà ngoại giao Ai Cập, các chủ đề chấm dứt chiến tranh ở Gaza, hỗ trợ chính nghĩa của người Palestine và giải pháp hai nhà nước là ưu tiên hàng đầu trong những cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) đang diễn ra tại thủ đô Manama của Bahrain.
Cũng trong ngày 15/5, thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh đã cáo buộc Israel gây ra tình trạng bế tắc hiện tại trong tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza, đồng thời khẳng định những nội dung sửa đổi của Tel Aviv đối với đề xuất ngừng bắn do các nhà trung gian hòa giải đưa ra đẩy cuộc thương lượng đi vào ngõ cụt.
Ông Haniyeh tuyên bố phản đối mọi thỏa thuận dành cho Gaza thời hậu chiến loại bỏ vai trò của Hamas, đồng thời nhấn mạnh phong trào này vẫn giữ nguyên yêu cầu về việc thỏa thuận ngừng bắn phải dẫn đến chấm dứt chiến tranh ở vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong khi đó, ngày 15/5, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Israel “ngay lập tức” chấm dứt hoạt động quân sự tại TP Rafah, đồng thời cảnh báo nếu Tel Aviv không làm vậy sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương.
Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell nhấn mạnh: “Nếu Israel tiếp tục hoạt động quân sự ở Rafah, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ giữa EU với Israel”.
Tuyên bố nêu rõ hoạt động quân sự ở Rafah đang làm gián đoạn hơn nữa việc phân phối viện trợ nhân đạo ở Gaza và khiến thêm nhiều người phải đi sơ tán, gây ra nạn đói và đau khổ cho con người. Ông Borrell khẳng định: "EU công nhận quyền tự vệ của Israel và Israel phải thực hiện quyền này phù hợp với Luật Nhân đạo quốc tế và đảm bảo an toàn cho dân thường”. Luật này yêu cầu Israel cho phép viện trợ nhân đạo.
EU, đối tác thương mại lớn nhất của Israel, cũng là nhà tài trợ viện trợ chính cho các vùng lãnh thổ Palestine, cho biết hơn một triệu người trong và xung quanh Rafah đã được Israel yêu cầu sơ tán khỏi khu vực này đến các nơi khác mà LHQ đánh giá là không an toàn.
EU cũng lên án cuộc tấn công của Hamas vào cửa khẩu biên giới Kerem Shalom. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thả vô điều kiện tất cả các con tin”.
Trước đó, Mỹ và LHQ đều đã cảnh báo Israel không tiến hành một chiến dịch lớn ở Rafah vì sẽ làm tăng thêm thương vong cho dân thường.
Trong một diễn biến khác, LHQ đã mở một cuộc điều tra cuộc tấn công khiến nhân viên của họ thiệt mạng ở Rafah ngày 13/5. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cho biết đây là những nhân viên đầu tiên của LHQ thiệt mạng tại Gaza kể từ ngày 7/10/2023.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)