Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm 3 nước Biển Đen – Khẳng định cam kết của Washington

Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song không vì thế mà Washington xem nhẹ các khu vực ảnh hưởng truyền thống như châu Âu-Đại Tây Dương.

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Ross. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Ross. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 17/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới thăm Gruzia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông tới 3 nước đồng minh-đối tác của Mỹ nằm bên bờ Biển Đen gồm Gruzia, Rumania và Ukraine.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Gruzia kể từ năm 2014. Bộ trưởng Austin có kế hoạch gia hạn chương trình huấn luyện quân sự và thể hiện cam kết của Mỹ đối với Tbilisi - quốc gia vốn mong mỏi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ nhiều năm nay.

Tàu khu trục Defender của Anh tại cảng Batumi, Gruzia, ngày 26/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu khu trục Defender của Anh tại cảng Batumi, Gruzia, ngày 26/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khẳng định cam kết của Mỹ

Trước khi bắt đầu chuyến công du 3 nước đồng minh ở Đông Nam Âu, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định ông mong đợi cuộc thảo luận với người đồng cấp Ukraine, Gruzia và Romania để thực thi cam kết của Mỹ đối với một "châu Âu an toàn, ổn định và thịnh vượng". Bộ trưởng Quốc phòng Austin dự kiến cũng thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về an ninh tại khu vực Biển Đen, cũng như tìm cách tăng cường hợp tác giữa 3 quốc gia ven biển.

Biển Đen – một cửa ngõ an ninh, chính trị ở Đông Nam Âu và cũng là “điểm nóng” cạnh tranh ảnh hưởng của Nga và phương Tây. Chuyến công du 3 nước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trước khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng NATO là một phần trong nỗ lực củng cố cam kết với khu vực này. Biển Đen tiếp tục là khu vực gắn với lợi ích địa chính trị đối với Mỹ. Trong khi đó, NATO đang trong quá trình soạn thảo định hướng chiến lược tương lai bao gồm cả sự hiện diện ở Biển Đen. Trong bối cảnh đó, chuyến công du của người đứng đầu Bộ quốc phòng Mỹ ở thời điểm này sẽ mang nhiều ý nghĩa.

Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai chiến lược đối ngoại mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn ít nhiều bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19. Ngày 3/3/2021, Tổng thống Biden công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh vào việc điều chỉnh và hàn gắn mối quan hệ rạn nứt của Mỹ với các đồng minh và đối tác sau 4 năm dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong chiến lược mới, dù trọng tâm được Washington xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song không vì thế mà giảm nhẹ cam kết đối với không gian chiến lược truyền thống châu Âu - Đại Tây Dương. Do vậy, chuyến công du 3 nước Đông Nam Âu của ông Austin mang theo thông điệp rõ ràng, khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với các đồng minh và đối tác ở châu Âu, cụ thể là các nước nằm ở rìa phía Đông của khối và gần với Nga.

Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh khá nhạy cảm khi hai nước Gruzia và Ukraine đang cho thấy tâm lý mệt mỏi và thất vọng vì nỗ lực xin gia nhập NATO của hai nước này tới nay vẫn chỉ là hứa hẹn. Một điểm nữa, chuyến thăm của Bộ trưởng Austin có lẽ cũng nhằm trấn an, lên giây cót tinh thần cho các đối tác của Washington ở Đông Âu, giữa lúc Biển Đen đang tiềm ẩn những cơn sóng ngầm hết sức căng thẳng và nguy hiểm giữa Nga và phương Tây, kéo theo đó là nguy cơ đụng độ quân sự và cạnh tranh chiến lược leo thang.

Tập trận Gió biển năm 2020 tại Biển Đen. Ảnh: Reuters

Tập trận Gió biển năm 2020 tại Biển Đen. Ảnh: Reuters

Hiện thực hóa chiến lược của Mỹ ở Biển Đen

Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Chính quyền Tổng thống Joe Biden, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, trong đó các chính sách của Washington đối với các quốc gia vốn nằm trong không gian ảnh hưởng của nước Nga hậu Xô Viết, vẫn là một ưu tiên. Chiến lược này có tính kế thừa và xuyên suốt qua các đời tổng thống Mỹ gần đây.

Nhìn lại những năm qua, rõ ràng Mỹ đã liên tục đẩy mạnh chính sách gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy hợp tác quân sự-an ninh với các quốc gia Đông Nam Âu, những quốc gia nằm gần biên giới với Nga. Đặc biệt, Washington đã ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng để triển khai các hệ thống tên lửa và quân đồn trú tại Rumani và Ba Lan.

Kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, hoạt động quân sự của Mỹ và các nước NATO đã gia tăng một cách đáng báo động ở Biển Đen. Trong 9 tháng đầu năm nay, NATO đã thực hiện hơn 800 chuyến bay do thám trên không phận vùng biển này. Hạm đội 6 của Mỹ cũng triển khai nhiều tàu chiến trang bị tên lửa tiến vào khu vực. Bên cạnh đó, số cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ, NATO với các nước bên bờ Biển Đen như Ukraine cũng tăng lên đáng kể.

Việc Mỹ và NATO tăng mạnh sự hiện diện quân sự đã làm dậy sóng Biển Đen, biến vùng biển này thành một điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ đụng độ quân sự, gây ra một thách thức an ninh lớn cho Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga. Trên thực tế, một số vụ đụng độ nhỏ đã xảy ra như vụ Nga bắt tàu hải quân Ukraine ở Eo biển Kerch hồi năm 2018 hay mới đây nhất là vụ Nga nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Anh vi phạm hải phận Nga ở Biển Đen.

Nhìn một cách tổng thể, sách lược của Mỹ ở Biển Đen là sự kế thừa của Tổng thống Biden, theo đó Washington gia tăng hiện diện quân sự, bao vây Nga, đồng thời lôi kéo thêm nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm gây áp lực với Moskva ở đây. Nga đã nhiều lần lên tiếng và bày tỏ quan ngại trước những động thái này.

Tàu hải quân Nikopol của Ukraine được lai dắt tới cảng ở Ochakiv, Ukraine. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tàu hải quân Nikopol của Ukraine được lai dắt tới cảng ở Ochakiv, Ukraine. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

“Cầm cương” chiến lược của NATO ở Biển Đen

Vì ý nghĩa chiến lược về địa chính trị của Biển Đen, Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục triển khai các sách lược nhằm gia tăng ảnh hưởng, duy trì sự hiện diện ở mình ở khu vực này để cạnh tranh với Nga. Có điều, Mỹ thời Tổng thống Biden sẽ không làm điều này 1 mình, mà thông qua phối hợp với các đồng minh - đối tác của họ ở châu Âu, đặc biệt là các nước thành viên NATO.

Là nước có ảnh hưởng lớn nhất trong liên minh, Mỹ biết cách làm thế nào để chi phối và “cầm cương” chính sách của NATO tại châu Âu-Đại Tây Dương nói chung, cũng như khu vực Biển Đen nói riêng.

Chuyến thăm ba nước Đông Nam Âu lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, ngay trước thềm Hội nghị NATO, là thông điệp cho thấy Mỹ và NATO sẽ tiếp tục coi Nga là một đối trọng an ninh, ứng phó với Moskva sẽ là một nội dụng trọng tâm của hội nghị sắp tới.

Hiện nay, một số nước thành viên NATO bắt đầu hoài nghi việc khối này coi Nga là một mối đe dọa tiềm tàng. Tuy nhiên, viễn cảnh quan hệ Moskva – Brussels chuyển từ đối trọng sang hợp tác ổn định có lẽ còn một chặng đường dài.

Chiến lược của NATO do Mỹ đứng đầu về cơ bản sẽ không thay đổi nhiều, đó là mở rộng đường biên giới liên minh về phía Đông, tăng cường lôi kéo các nước láng giềng của Nga và gia tăng gây sức ép với Moskva.

Bộ Quốc phòng Nga đã tung video ghi lại khoảnh khắc hai máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 của nước này cất cánh và bay áp sát một máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đen ngày 6/7/2021. (Nguồn: RT)

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bo-truong-quoc-phong-my-tham-3-nuoc-bien-den-khang-dinh-cam-ket-cua-washington-20211019162244450.htm