Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: TQ không có quyền biến Biển Đông thành của riêng
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và Trung Quốc không có quyền biến vùng biển quốc tế thành của riêng.
Tối 21/7 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có bài phát biểu tại sự kiện của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là: sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quan hệ đối tác, xúc tiến khu vực liên kết với nhau.
Trả lời câu hỏi liệu Mỹ sẽ làm gì trước sự đã rồi mà Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông ngoài các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP), ông Esper nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận đa phương như RIMPAC. Tôi không hiểu tại sao chính quyền Trung Quốc đưa ra tuyên bố phản đối sự hiện diện của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép và sẽ không bị bất kỳ quốc gia nào ngăn chặn", ông Esper khẳng định.
Đề cập đến lý do Mỹ hiện diện ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, có 3 lý do chính để Mỹ tiếp tục các hoạt động tại khu vực. Thứ nhất, ngăn cản các hành vi bắt nạt và cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc. Thứ hai, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Và cuối cùng là nhằm tăng cường năng lực các nước đồng minh và đối tác của Mỹ xung quanh Biển Đông, hướng tới việc giúp các nước này có đủ sức tự bảo vệ được vùng biển và lãnh thổ trước tham vọng của Bắc Kinh.
Theo ông Esper, Trung Quốc liên tục không tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, liên tục có những hành động phi pháp, bắt nạt cùng những cuộc tập trận trận ở Biển Đông vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
"Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của Mỹ là bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sách này nhấn mạnh một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả quốc gia chung sống trong thịnh vượng và hòa bình.
Chúng tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành vùng đặc quyền kinh tế riêng của nước này", ông Esper nói.
Ông Esper cũng lên án hoạt động gây hấn của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông, bao gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam và ngăn chặn các nước láng giềng ở Đông Nam Á thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng kêu gọi các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng mạng lưới các đối tác an ninh "cùng chí hướng".
Theo ông Esper, hiện Mỹ đang phát triển học thuyết mới và sẽ thúc giục quốc hội nước này phối hợp với chính phủ đề ra "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương", trong đó ưu tiên duy trì khả năng răn đe và bảo đảm các cam kết của Mỹ đối với khu vực, đồng thời cho biết Mỹ đang thảo luận với quốc hội Mỹ về vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bài phát biểu của người đứng đầu Lầu Năm Góc thu hút sự chú ý sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường mới của Washington, trong đó bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc và gọi chúng là phi pháp.
Trong tuyên bố phát đi hôm 14/7, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc không đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng cho những tham vọng của họ ở Biển Đông và trong nhiều năm đã liên tục hăm dọa chống lại các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á.
Chúng tôi đang truyền đi thông điệp rất rõ ràng rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết diện tích Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như chiến dịch sử dụng các hành vi bắt nạt để kiểm soát chúng cũng vậy”.