Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lên án bom tấn Black Panther 2
Mới đây, trong một bài đăng trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu lên tiếng chỉ trích bom tấn 'Black Panther: Wakanda Forever' của hãng Marvel (Mỹ), cho rằng bộ phim thể hiện sai và gây hiểu lầm cho người xem về quân đội Pháp.
Trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu viết: "Tôi cực lực lên án việc truyền tải nội dung sai sự thật, gây hiểu lầm về lực lượng vũ trang Pháp".
Theo đó, trong phần 2 của bộ phim Black Panther công chiếu tại Pháp hồi tháng 11/2022, người dân Wakanda - một quốc gia hư cấu ở châu Phi, đã bắt quả tang một nhóm lính đánh thuê đang cố khai thác tài nguyên bất hợp pháp tại đất nước này.
Tuy nhiên, theo một nhà báo người Pháp, bộ trang phục của nhóm lính đánh thuê này có những điểm tương đồng với quân phục của binh sĩ Pháp vốn đồn trú tại Mali trong gần 10 năm nay, nhằm triển khai "Chiến dịch Phục vụ", giúp Mali tiêu diệt các tay súng Hồi giáo cực đoan.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh: “Đối với 58 người lính đã ngã xuống khi bảo vệ Mali và chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo, tôi nghĩ về họ với sự kính trọng".
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Pháp hôm 13/2 chia sẻ với CNN rằng, dù tất cả các yếu tố trong phim đều mang tên và địa điểm hư cấu, nhưng có sự hàm ý rõ ràng đối với Pháp. Quân đội Pháp bị mô tả là đã tham gia cướp bóc tài nguyên của quốc gia khác và tất nhiên điều đó không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi không yêu cầu họ gỡ bộ phim hay bất kỳ điều gì, nhưng vai trò của bộ trưởng là bảo vệ những binh sĩ Pháp đã đến Mali để hỗ trợ họ chống lại các nhóm khủng bố”, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Pháp nêu rõ.
Được biết, Pháp đưa quân lần đầu đến vùng Sahel vào tháng 1/2013 theo khẩn cầu của Mali, sau đó triển khai Chiến dịch Phục vụ để tiêu diệt các tay súng Hồi giáo cực đoan. Sứ mệnh thành công vào tháng 8/2014 nhờ Chiến dịch Barkhane, một sáng kiến chống khủng bố rộng hơn nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan trên khắp vùng Sahel, bao gồm Burkina Faso, Niger và Chad.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Mali và lực lượng liên quân do Pháp dẫn đầu trở nên tồi tệ kể từ cuộc đảo chính năm 2020 và sự ra đời của chính quyền quân sự ở Mali sau đó. Cuối năm 2021, hãng quân sự tư nhân Nga Wagner đưa quân đến vùng này.
Tháng 6/2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, sứ mệnh của Pháp sẽ được thay thế bằng một nỗ lực quốc tế rộng hơn. Quân đội phương Tây bắt đầu rút khỏi Mali từ tháng 2 năm ngoái, dù vẫn còn ở Burkina Faso.