Bộ trưởng Tài chính: Chủ đầu tư dự án nợ ngân sách, cả nghìn người mua nhà không được cấp sổ đỏ

Đề cập đến việc có những chủ đầu tư dự án nợ tiền ngân sách khiến hàng chục nghìn hộ dân không được cấp sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị phải có quy định để không lặp lại việc này…

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tại tổ có đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã phát biểu góp ý nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở và bất động sản.

Trong đó, với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần nghiên cứu, có quy định về năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án kinh doanh bất động sản, đảm bảo họ đủ năng lực tài chính triển khai dự án.

Ông đề cập đến việc có những dự án hiện nay vẫn không cấp được sổ đỏ cho người dân, với hàng trăm nghìn người dân sở hữu nhà ở, vì chủ đầu tư dự án nợ ngân sách.

Nguyên nhân vì theo quy định của Luật đất đai hiện hành, khi giao đất cho doanh nghiệp mới xác định tiền sử dụng đất. Khi doanh nghiệp không nộp được tiền mới xử phạt chậm nộp, mà tiền phạt lại thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Do vậy nên có tình trạng doanh nghiệp bán đất, nhà, thu tiền của người dân rồi đi kinh doanh dự án khác, sử dụng tiền vào việc khác, không nộp tiền vào ngân sách. Điều này kéo theo hệ lụy là người dân không được làm sổ đỏ. Từ đó xảy ra nhiều bất ổn khi người dân khiếu nại quyền lợi.

“Tôi đề nghị phải có thiết kế quy định để doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Nếu không thì không giải quyết được. Nếu doanh nghiệp vi phạm, lừa đảo, cùng lắm bắt đi tù nhưng hàng chục nghìn sổ đỏ của người dân ai giải quyết?” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Về giải pháp, ông Phớc đề xuất: “Nếu doanh nghiệp không nộp tiền thì không thể giải quyết được, làm mất lòng tin, gây bất ổn. Nên tôi đề nghị quy định theo hướng chủ đầu tư dự án phải nộp tiền vào ngân sách mới giao đất, “tiền trao cháo múc” để tránh sau này đi đòi nợ”.

Tại tổ Hà Nội, các ĐBQH Nguyễn Phương Thủy, Phạm Đức Ấn góp ý, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến nhau, nên cần rà soát kỹ để tạo sự thống nhất.

Về các nội dung cụ thể, ĐB Phương Thủy đề nghị trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phải bổ sung thêm quy định về loại hình căn hộ nghỉ dưỡng condotel, vì hiện loại hình căn hộ này đang có nhiều vướng mắc pháp lý.

Còn ĐB Phạm Đức Ấn góp ý phải quy định cụ thể về thời gian kể từ khi chủ đầu tư được giao đất nhưng không triển khai dự án, tức thời gian cho phép để dự án “treo” là bao lâu, nếu quá thì thu hồi; nhằm kiểm soát để “tránh đầu cơ, đánh trống ghi tên rồi để đó”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-tai-chinh-chu-dau-tu-du-an-no-ngan-sach-ca-nghin-nguoi-mua-nha-khong-duoc-cap-so-do-post543320.antd