Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ kêu gọi G7 bàn về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã yêu cầu các bộ trưởng tài chính thuộc nhóm G7 thảo luận về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc và các biện pháp phản ứng tiềm tàng.

Bà Yellen nhấn mạnh rằng, nếu Bắc Kinh không thay đổi chính sách, kinh tế các nước sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng hàng hóa giá rẻ từ xuất khẩu của Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất xe điện Leapmotor tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất xe điện Leapmotor tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo trước thềm hội nghị tài chính của G7 tại Stresa, Ý, ngày 23/5, bà Yellen kêu gọi Mỹ và châu Âu có một phản ứng thống nhất và chiến lược đối với việc Trung Quốc đầu tư quá mức vào các lĩnh vực như xe điện, sản phẩm năng lượng mặt trời, chất bán dẫn và thép. Bà cảnh báo rằng các ngành công nghiệp này có thể đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất tại cả hai bờ Đại Tây Dương.

Tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ xung đột chính trị với Mỹ và các nước phương Tây. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất xe điện và các ngành công nghiệp xanh, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về công suất. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước không tăng kịp, khiến ngành này rơi vào tình trạng dư thừa.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), tỷ lệ sử dụng năng lực công nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm là 73,6% trong quý đầu tiên năm 2024. Chỉ 20 trong số 77 nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đạt mức sử dụng trên 60%, trong khi công suất sản xuất xe của Trung Quốc lên tới 55 triệu chiếc mỗi năm, nhưng chưa đến một nửa số đó được sử dụng.

Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đang lo ngại về sự cạnh tranh từ các sản phẩm xe điện của Trung Quốc. Có nhiều suy đoán rằng Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Tờ People's Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích Washington là cố tình phóng đại tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc nhằm kiềm chế sự phát triển của nước này.

Tại EU, một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc đã được tiến hành, và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ có những hành động bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Mỹ trước nguy cơ từ Trung Quốc.

Lance Liangping Gore, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết “công suất dư thừa” có thể được hiểu là một thuật ngữ mơ hồ hoặc gây hiểu nhầm.

“Xe điện mới bắt đầu thay thế xe chạy xăng và công suất còn lâu mới đủ. Có thể hình dung được rằng việc giảm phát thải toàn cầu sẽ diễn ra nhanh hơn - và rẻ hơn cho người tiêu dùng - nếu Trung Quốc tiếp tục sản xuất ở quy mô tối ưu”, Gore nói.

“Mối quan tâm của phương Tây tập trung vào lợi nhuận so với việc chống lại biến đổi khí hậu. Trong cả hai trường hợp, dư thừa công suất không phải là vấn đề thực sự”, ông nói thêm.

Nhưng Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, nhấn mạnh rằng động cơ đằng sau các động thái của phương Tây phức tạp hơn việc chỉ bảo vệ một số nhà sản xuất không có khả năng cạnh tranh.

Giáo sư Zhu Tian từ Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu ở Thượng Hải nhận định rằng tình trạng dư thừa công suất là một phần tự nhiên của thị trường tự do, và thị trường sẽ tự loại bỏ các đối thủ không cạnh tranh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cần tránh để yếu tố chính trị can thiệp vào cơ chế thị trường này.

Thành An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/bo-truong-tai-chinh-hoa-ky-keu-goi-g7-ban-ve-tinh-trang-du-thua-cong-suat-cua-trung-quoc-1099982.html