Bộ trưởng Tài chính: Không tận dụng sự chênh lệch giá dầu thô để làm nguồn thu

Ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính – khẳng định luôn tính toán tác động của diễn biến giá xăng dầu đến nền kinh tế và những thiệt hại với khoản thu ngân sách mà doanh nghiệp phải đóng góp, thay vì tận dụng sự chênh lệch giá dầu thô để làm nguồn thu.

Thông tin này được ông Phớc nêu tại diễn đàn đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội ngày 7-4.

Tại diễn đàn, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) – cho biết lĩnh vực giao thông vận tải đang tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ xu hướng tăng giá xăng dầu, sau 2 năm chịu tác động từ Covid-19.

“Giai đoạn 2-3 tháng vừa qua khi giá xăng dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng tới ngành giao thông vận tải, khiến nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, hoặc dừng sản xuất”, ông Mại nói và cho rằng đây là nguy cơ lớn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khi toàn bộ hệ thống giao thông vận tải ách tắc.

Theo Chủ tịch VAFIE, việc điều hành giá xăng dầu thời gian tới cần tính toán cho việc hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi kinh tế – xã hội.

“PetroVietnam tăng thu, tăng phần nộp thuế rất cao trong quí đầu năm thì phải tính tới việc giải quyết bài toán xăng dầu để doanh nghiệp vận tải phát triển, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ các đơn vị này và bớt nguồn chi trợ cấp”, ông Mại nêu vấn đề.

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Phản hồi thông tin nêu trên, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính – cho biết việc giá dầu thô trên thị trường thế giới vượt mức 130 đô la Mĩ một thùng đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Vì vậy, các cơ quan quản lý luôn tính toán tác động của giá dầu với nền kinh tế và những thiệt hại với khoản thu ngân sách mà doanh nghiệp phải đóng góp, thay vì tận dụng sự chênh lệch giá dầu thô để làm nguồn thu.

Theo ông Phớc, việc điều chỉnh được giá xăng dầu cần được tiến hành với loạt giải pháp đồng bộ chứ không chỉ dựa vào giải pháp giảm thuế.

“Giảm thuế không được bao nhiêu cả. Khi giá thế giới là tăng, chúng ta khó cản trở xu hướng này”, ông Phớc nói và cho biết việc điều chỉnh giá phải dựa vào quan hệ cung cầu, như dự trữ xăng dầu, quỹ bình ổn, giảm thuế, đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu.

Ông Đặng Công Khôi – Phó Cục trưởng Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài chính – cho biết liên bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp điều hành giá trong nước để vừa đảm bảo linh hoạt theo giá thế giới, vừa kiềm chế mức tăng đột biến trong nước và hỗ trợ các hoạt động khác trong bối cảnh liên tục gia tăng từ đầu năm tới nay.

Ông này khẳng định mức tăng giá xăng dầu trong nước sẽ cao hơn nhiều nếu liên Bộ không quyết định chi mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong 8 kỳ điều hành giá vừa qua và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1-4-2022

“Mức tăng của giá xăng dầu thế giới các kỳ vừa rồi là 39-50% tùy từng loại, nhưng trong nước giá xăng dầu chỉ tăng 20-42% tùy loại. Như vậy mức tăng và diễn biến tăng giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn giá xăng dầu thế giới”, ông Khôi nói.

Trước diễn biến giá xăng dầu phức tạp, tác động lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, đặc biệt là vận tải, đại diện Cục quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tác động của việc tăng giá xăng dầu trong nước đến các lĩnh vực khác, xử lý ngay các trường hợp té nước theo mưa, lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu. Đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước”, ông Khôi nói.

Cũng theo ông Khôi, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ông Khôi cho biết chỉ số giá tiêu dùng quí 1-2022 chỉ tăng 1,92%, thấp hơn một chút so với các kịch bản đưa ra. Nếu không xuất hiện các yếu tố đột biến từ nay đến cuối năm, chỉ số lạm phát cả năm sẽ tăng dưới 4% – hoàn thành mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bo-truong-tai-chinh-khong-tan-dung-su-chenh-lech-gia-dau-tho-de-lam-nguon-thu/