Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu Đoàn công tác 435 làm việc với thành phố Đà Nẵng
Chiều 11/5, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Tham dự Đoàn công tác của Chính phủ cùng Bộ trưởng Tô Lâm có đại diện các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng cơ bản ổn định, có bước phát triển tốt. Chủ đề năm 2022 của Đà Nẵng là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội”, năm 2023 là “Tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”.
Mặc dù vừa qua đại dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt hơn 14% xếp thứ 3 cả nước; Quý I năm nay tình hình tiếp tục ổn định, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá, thu ngân sách đạt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Đà Nẵng đang có dấu hiệu chững lại, khi số doanh nghiệp thành lập mới, hoặc trở lại hoạt động sau đại dịch vẫn còn thấp, các doanh nghiệp đang hoạt động đều gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, dẫn đến tiến độ thu ngân sách ở một số ngành, lĩnh vực giảm sút, nhất là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng đã tập trung làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian đến. Trong đó, có tình trạng một bộ phận cán bộ e dè, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, có biểu hiện né tránh, thiếu quyết liệt trong công việc. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, nhưng chưa được Trung ương kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ.
Trong nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng phải tập trung giải quyết, khắc phục hậu quả theo các kết luận thanh tra, điều tra, kết luận các bản án, trong đó có nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền của thành phố nhưng đến nay cũng chưa được giải quyết, khiến nguồn lực bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.
Về phương hướng tháo gỡ, Đà Nẵng nêu 3 nhóm kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các bản án, kết luận thanh tra, điều tra…; 5 kiến nghị, đề xuất liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Cụ thể như các đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội thành phố trong tương lai là Trung tâm tài chính quốc tế, Khu phi thuế quan; mở rộng Khu công nghệ cao; mở rộng và nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng; di dời ga đường sắt; các dự án du lịch cần điều chỉnh ranh giới, chuyển đổi 3 loại rừng.
Tại buổi làm việc, đồng chí Tô Lâm và Đoàn công tác Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến về tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính,… và những vấn đề nhạy cảm, phức tạp mới xuất hiện.
Kết quả công việc của thành phố Đà Nẵng trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023 có nhiều kết quả tốt, đáng phấn khởi.
Phát biểu tại buổi làm việc Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn công tác Chính phủ cho biết, nhìn lại năm 2022, quý I năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội đất nước nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.
Vì vậy, Đoàn công tác Chính phủ sẽ lắng nghe, trao đổi và cùng địa phương tìm hướng tháo gỡ, với mục tiêu là thúc đẩy sản xuất kinh doanh một cách khẩn trương. Đồng chí Tô Lâm khẳng định, buổi làm việc cho thấy kết quả công việc của thành phố Đà Nẵng trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023 có nhiều kết quả tốt, đáng phấn khởi.
Nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn nhiều. 39 kiến nghị, đề xuất của Đà Nẵng thuộc rất nhiều các lĩnh vực, trong đó có 7 kiến nghị đã gửi đến các bộ, ngành Trung ương và đang được xem xét giải quyết. Nhiều kiến nghị, đề xuất đang được Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành rà soát.
Vấn đề liên quan trực tiếp đến bộ, ngành nào, thì bộ, ngành đó sẽ có giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, Chính phủ… sẽ được tổng hợp, báo cáo để sớm có hướng giải quyết kịp thời trong thời gian sớm nhất để sớm đưa Đà Nẵng trở lại quỹ đạo phát triển nhanh, bền vững, như Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khóa XIII đã nêu.