Bộ trưởng Tô Lâm: Sẽ tăng chứ không giảm Công an khu vực
Bộ Công an đã điều động trên 50.000 cán bộ Công an chính quy về Công an cấp cơ sở, cấp xã. Cảnh sát khu vực cũng là một phần trong nhiệm vụ của Công an cấp cơ sở.
Sáng 7/11, tại phiên chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về việc cắt giảm Cảnh sát khu vực, những thành phố đông dân như TP Hồ Chí Minh cũng bị cắt giảm. Làm sao để Cảnh sát khu vực vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ?
Trả lời đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã điều động trên 50.000 cán bộ Công an chính quy về Công an cấp cơ sở là cấp phường, cấp xã. Nhiệm vụ của Cảnh sát khu vực cũng là một phần trong nhiệm vụ của Công an cấp cơ sở. Với tốc độ đô thị hóa thì công việc của Công an cấp cơ sở rất lớn, có tới hơn 100 nhiệm vụ phải thực hiện. Chính vì vậy, chủ trương của Bộ là không phải giảm Cảnh sát khu vực mà sẽ tiếp tục tăng cường Công an về cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới.
"Bộ Công an đã tăng cường gần 500 cán bộ Công an từ cấp Bộ về cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới, xã phức tạp về ANTT" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ tăng cường sử dụng công nghệ để kết nối với người dân, qua đó, tăng năng suất làm việc của Cảnh sát khu vực để liên hệ tương tác, thông tin với người dân.
"Chúng tôi dự tính tốc độ đô thị hóa cao, sẽ có nhiều đơn vị hành chính mới thành lập thì sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng này để có thể xử lý được ngay các vấn đề ở cơ sở" - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về vai trò của lực lượng Cảnh sát khu vực ở địa phương, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, sau sắp xếp, việc giảm số lượng Cảnh sát khu vực là chưa phù hợp với một số địa bàn, nhất là địa bàn có đông dân cư như tại TP Hồ Chí Minh. Đại biểu lấy ví dụ, tại địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh, sau sắp xếp đơn vị hành chính, từ 122 Cảnh sát khu vực quản lý cho 239.000 dân hiện chỉ còn 98 khu phố và như vậy sẽ còn 98 Cảnh sát khu vực. Trong khi đó, riêng đội hành chính mỗi một ngày phải nhập liệu đăng ký khách du lịch ngoại quốc khoảng 5.000 người.
"Việc tăng cường quản lý bằng điện tử, bằng camera nhưng một Cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, suốt ngày chỉ ngồi xem camera, thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, thời gian đâu bám sát được địa bàn, thời gian đâu để chính người Cảnh sát đó tái tạo sức lao động" - đại biểu nêu và bày tỏ mong muốn Bộ trưởng phối hợp với các ngành đánh giá vai trò của Cảnh sát khu vực, cũng như lực lượng an ninh ở cơ sở.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, theo quy định của Cảnh sát khu vực thì 500 người có 1 Cảnh sát khu vực. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ phát triển dân số ở đô thị quá lớn nên lực lượng Công an đang tiếp tục bổ sung.
"Công an TP Hồ Chí Minh hiện đang thiếu biên chế so với tốc độ phát triển dân số ở thành phố này nên chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường" - đồng chí Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - "1 xã thôi dân số 120.000 dân thì số lượng Cảnh sát khu vực tính theo số này rất lớn. Bộ Công an phải chuẩn bị lực lượng để đáp ứng được, hiện nay đang thiếu biên chế. Còn về công việc, Bộ phân cấp rất nhiều xuống xã rồi và lực lượng lấy từ tỉnh, huyện thì xuống phường, xã để đảm bảo" - Bộ trưởng khẳng định.
Việc ứng dụng công nghệ, theo Bộ trưởng Tô Lâm chủ yếu Cảnh sát khu vực vận dụng phương thức sử dụng điện thoại thông minh, iPad để có mối liên hệ với nhân dân chứ không chỉ sử dụng camera.
"Hiện, một tin nhắn có thể thông báo nhóm dân cư vài trăm người, không cần phải đi đến từng nhà giải quyết các vấn đề của dân như ngày xưa. Việc này rất hiệu quả. Bộ Công an sẽ sử dụng lực lượng trị an ở cơ sở, tổ dân phố để hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực" - đồng chí Bộ trưởng cho biết.