Bộ trưởng Tô Lâm: Số vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực

Ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Theo đó, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tỷ lệ điều tra án nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Đối với công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

Tăng cường nắm sát tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, ứng xử phù hợp, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương về phòng, chống tội phạm. Làm tốt công tác tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ của các đối tác nước ngoài về phương tiện, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình người Việt Nam phạm tội, vi phạm pháp luật ở nước ngoài vẫn còn phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ.

Tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho lực lượng thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm.

Chính phủ cũng kiến nghị, đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực và tổ chức công tác giám sát; tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Nhìn tổng thể chung, tình hình ANTT, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt

Chiều 21/11, sau khi các đại biểu thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm và là sự chia sẻ, động viên để Chính phủ nói chung, Bộ Công an nói riêng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cả nước.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch COVID-19 làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm đạt được những kết quả tích cực.

Nhìn tổng thể chung, tình hình ANTT, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn để Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động rất phức tạp như hiện nay.

“Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần được khẳng định rõ để cử tri và nhân dân cả nước yên tâm, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, trên từng lĩnh vực còn có những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết. Trong phát biểu thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác.

“Trong phiên thảo luận, có gần 20 đại biểu phát biểu, nêu ý kiến đề nghị nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong đó có các ý kiến đề nghị đánh giá nguyên nhân phát sinh tội phạm; đánh giá gia tăng tội phạm trên mạng như lừa đảo, đánh bạc; đề nghị nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm; phân hóa đối tượng trong đấu tranh; đề nghị phong tỏa khẩn cấp đối với các tài khoản trên mạng; có cơ chế bảo vệ tài sản, vật chứng vụ án; giảm TNGT bền vững, đặc biệt là đối với nhóm học sinh, sinh viên; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp; tăng cường vai trò của Công an xã; tăng cường tiềm lực của cơ quan phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có cơ quan điều tra…" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật

Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, Chính phủ và Bộ Công an thấy rằng, với khối lượng công việc các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 là rất lớn (gần 170 nghìn tin báo, tố giác tội phạm; trên 134 nghìn vụ án với gần 210 nghìn bị can; trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính...) trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thì việc còn những tồn tại, hạn chế là khó tránh khỏi.

Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Nhóm nguyên nhân thứ nhất là thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng, như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm; tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cá biệt là những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật của một số ít CBCS....

Nhóm nguyên nhân thứ hai là những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế, chính sách.

Nhóm nguyên nhân thứ ba là những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong đó, nhìn tổng thể chung, yêu cầu, nhiệm vụ tăng lên, nhưng biên chế không tăng, kinh phí, phương tiện còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

“Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, có những vấn đề có thể khắc phục được ngay, có những vấn đề cần phải có thời gian lâu dài.

Chính phủ và Bộ Công an xin tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách.

Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách trước mắt.

“Chính phủ và Bộ Công an rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ, giám sát của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-truong-to-lam-so-vu-pham-toi-tham-nhung-chuc-vu-duoc-phat-hien-tang-5163-119231121130936209.htm