Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần hành động kịp thời vì tương lai bền vững
Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Lễ Phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022.
Nhân sự kiện Lễ Phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài phát biểu quan trọng.
Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
(Hà Nội, ngày 23/3/2022)
Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý,
Hôm nay, cùng với các quốc gia trên thế giới và các tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng ta họp mặt tại đây để long trọng tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí đại diện các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, địa phương; các vị khách quý đại diện cho các tổ chức quốc tế và toàn thể quý vị đại biểu tới dự buổi Lễ phát động ngày hôm nay. Xin chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thưa các quý vị đại biểu,
Trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai và sự thiếu hụt về nguồn nước đã và đang là những thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại. Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 28/02/2022 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa. IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt; và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 01 tháng mỗi năm.
Gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng đô thị hóa kéo thêm sự suy thoái về thiên nhiên môi trường, cộng hưởng thêm tác động của dịch bệnh Covid-19 đang làm phức tạp hóa hơn những thách thức mà Trái đất đang phải đối mặt. Dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm.
Vì vậy, chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Khí tượng thế giới “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai”và Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 “Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời ngay từ bây giờ. Đó là: tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm và trong ngắn hạn và dài hạn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân; thúc đẩy quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm nói riêng và tài nguyên nước nói chung vì sự sống của các thế hệ hôm nay và mai sau; lan tỏa sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại.
Thưa các quý vị đại biểu,
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm chúng ta đang phải chịu từ 6-7 cơn bão; những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất nhiều hơn gây trở ngại đến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây đã xảy ra nhiều thiên tai bất thường, cực đoan và khó dự đoán.
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu nói riêng và ngành tài nguyên và môi trường nói chung luôn nhận được quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những nỗ lực ứng phó các thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm thiểu và ngăn ngừa rủi ro phòng, chống thiên tai; đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia đã đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch tổng thể lưu vực sông như sông Hồng - Thái Bình hay tại khu vực sông Cửu Long; xây dựng kế hoạch ban hành Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan… đồng thời phải triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia trên các lưu vực sông. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm khẳng định vị thế của lĩnh vực tài nguyên nước.
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, lĩnh vực này đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị đề cập toàn diện các nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành KTTV giai đoạn mới, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Song song với đó, ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các hoạt động “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn" theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ.
Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, tại Đại hội XIII của Đảng nhận định BĐKH là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt; qua đó xác định “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Với nhãn quan nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, phù hợp với xu thế của thời đại thể hiện bằng những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch tái tạo hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” tại COP26 vừa qua. Điều này một lần nữa khẳng địnhkhát vọng và tầm nhìn trong công cuộc phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế.
Thưa các quý vị đại biểu,
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Trái đất năm 2002, tại Lễ phát động hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững. Nhân dịp này, tôi mong muốn truyền tảimột số nội dung, thông điệp, thúc đẩy quá trình hợp tác, cam kết với quốc tế và thực hiện các hoạt động hưởng ứng cụ thể như sau:
Thứ nhất, rà soát hoàn thiện hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa và nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác khí tượng thủy văn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo đmả cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xay ra các hiện tượng nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường. Có chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm; đẩy mạnh hợp tác hợp tác quốc tế trong hoạt động khí tượng thủy văn.
Thứ ba, phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0" đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn và đề nghị các ban, bộ, ngành và các địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao. Các Bộ, ban, ngành địa phương cùng chung tay tháo gỡ ngay các nút thắt trong cơ chế, tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết của Việt Nam.
Thứ tư, thúc đẩy sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm là những việc cần làm để góp phần quan trọng cho phát triển quốc gia phồn thịnh và bền vững, đảm bảo an ninh nước và sinh kế dựa vào nước.
Cuối cùng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra khắc nghiệt, đại dịch COVID-19 làm gia tăng tính phức tạp trong những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia với cơ quan Quản lý thiên tai, Quản lý tài nguyên nước cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.
Thưa các quý vị đại biểu,
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin gửi lời cảm ơn, chúc sức khỏe, bình an và hạnh phúc tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu và ngành tài nguyên và môi trường nói chung. Chúc cho buổi Lễ phát động của chúng ta ngày hôm nay thành công, tốt đẹp và sự nghiệp bảo vệ môi trường mãi luôn phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn.