Bộ trưởng TT&TT: Doanh nghiệp lớn mơ lớn, sứ mệnh lớn

Đất nước biết ơn các doanh nghiệp vì họ tạo ra của cải, họ tạo ra công việc, họ làm cho đất nước hưng thịnh, họ làm dạng danh đất nước, họ làm ra vũ khí bảo vệ Tổ quốc.

Chiều 30/1, tại buổi gặp mặt một số doanh nghiệp số tiêu biểu ngành TT&TT nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu khẳng định trách nhiệm, những giá trị lớn lao mà các DN đã và đang đóng góp cho đất nước, cho xã hội và nền kinh tế.

"Doanh nghiệp mà hàng ngàn người, giá trị hàng trăm triệu đô la thì doanh nghiệp ấy không còn là của mình nữa. Làm doanh nghiệp khi ấy không phải vì mình nữa. Trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều. Và nếu không vì một cái gì đó lớn hơn thì cũng không đủ năng lượng để dẫn một doanh nghiệp lớn như vậy đi tiếp. Các bạn bây giờ không phải người thường nữa rồi, các bạn là người “nhà Trời”. Là người sứ mệnh lớn, hy sinh lớn. Các bạn chắc cũng chẳng muốn như vậy, nhưng đã đến nước này thì không thể khác đi được nữa. Hãy coi là số mệnh vậy! Nhưng cũng tự hào và vinh quang vì các bạn là người được chọn!

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp lớn phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp lớn phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh

Đứng trên cao thì cô đơn. Nỗi cô đơn do đứng trên người khác, thường là trong tổ chức của mình. Để không còn cô đơn, ta phải đi tìm những người bên ngoài, ngang ta và cao hơn ta, thường là ngoài tổ chức của mình. Thí dụ như hôm nay, các TGĐ của các doanh nghiệp khác nhau gặp nhau. Buổi gặp này là để các bạn thấy bớt cô đơn hơn.

Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn. Việt Nam thường xuyên bị xâm lăng nên có thể vì vậy mà ít giấc mơ lớn. Nhưng nếu không mơ lớn, không lớn mạnh thì sẽ lại bị xâm lăng. Lại mất nước, lại về không, rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu cứ lặp đi lặp lại như vậy thì biết đến bao giờ Việt Nam mới cường thịnh, mới có hòa bình lâu dài? Liệu chúng ta có thể phá vỡ vòng lặp này hay không? Liệu doanh nghiệp có phần gì, trách nhiệm gì ở đây không? Phần của các bạn, trách nhiệm của các bạn là rất lớn, nếu không nói là lớn nhất.

Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt

Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt

Nhưng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Phải có giấc mơ lớn. Phải giầu có và mang sự giầu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh, và đặc biệt, làm chủ những công nghệ hiện đại nhất để chế tạo ra vũ khí, chế tạo ra “nỏ thần” bảo vệ Tổ quốc. Quốc gia hưng thịnh mà không tự bảo vệ được thì sự hưng thịnh đó là xây trên cát.

Các bạn doanh nghiệp hôm nay ngồi đây, ít nhiều cũng đã lớn mạnh rồi, đều là nhóm đầu trong lĩnh vực của mình, thì hãy phát triển gắn với sứ mệnh quốc gia, dân tộc, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực của mình. Công nghiệp quốc phòng bây giờ thì dựa trên công nghệ mới là chính. Các bạn mà làm chủ công nghệ trong lĩnh vực của mình là đã sẵn sàng cho công nghiệp quốc phòng rồi. Nhưng điều kiện ở đây là, hãy làm chủ công nghệ đó ở mức xuất sắc, không thua kém ai trong thế giới này.

Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các doanh nghiệp cũng khó khăn. Nhưng khó khăn là một phép thử. Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khỏe của doanh nghiệp. Khó khăn làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn các vấn đề ở tầng dưới. Xử lý được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi. Bởi vậy, lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn. Không nên bỏ phí những lúc khó khăn này. Khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Vietnamnet

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Vietnamnet

Chủ đề năm 2024 của Bộ là: Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển chuyển đổi số, kinh tế số rất chậm.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Vietnamnet

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Vietnamnet

Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Doanh nghiệp lớn phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Doanh nghiệp lớn phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh.

Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành. Doanh nghiệp công nghệ số làm các ứng dụng số công nghiệp cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.

Báo chí, xuất bản, truyền thông phải truyền đi được thông điệp, Việt Nam không phải nước nhỏ. 100 triệu dân, đứng thứ 14-15 thế giới. GDP đứng thứ 35-40. Sự thông minh chắc top 10. STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học) chắc top 5. Tinh thần tự cường chắc cũng top 5. Chăm chỉ chắc top 3. Sự linh hoạt chắc số 1. Vậy Việt Nam không hề nhỏ. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc.

Báo chí, xuất bản, truyền thông phải khơi dậy được, truyền đi được khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường thịnh vượng, truyền đi cảm hứng, cảm hứng tạo ra năng lượng. Muốn lớn được thì đầu tiên phải có khát vọng lớn. Khát vọng lớn phải chuyển được thành sức mạnh tinh thần.

Ngành TT&TT phát triển được thì đầu tiên là do các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành. Là do sự dấn thân của các TGĐ. Là do sự khai phá các vùng đất lạ của các bạn. Là do sự chấp nhận rủi ro của các bạn. Thay mặt Bộ TT&TT, tôi xin cảm ơn các bạn! Cảm ơn sự đóng góp to lớn của các bạn!

Năm nay là năm Giáp Thìn.

Giáp thuộc hành Mộc. Giáp Mộc đại diện cho cây cổ thụ to lớn, cường tráng, cương trực. Giáp còn là khởi đầu của một chu kỳ 10 năm của Thiên Can.

Giáp Thìn thì thuộc hành Hỏa, Phú Đăng Hỏa. Là ngọn đèn ấm áp, tỏa sáng. Xua đi những khó khăn của năm trước.

Năm con Rồng thì nhiều hoài bão, ước mơ và mục tiêu lớn lao. Trong văn hóa phương Đông, rồng tượng trưng quyền lực, là biểu tượng của thần thánh, linh thiêng. Bởi vậy, năm nay được xem là năm tràn đầy năng lượng và sức mạnh, vừa có sức quyến rũ vừa tỏa sáng, có quyền lực và kinh doanh thành công.

Thay mặt Bộ TT&TT, tôi chúc các bạn năm mới Giáp Thìn luôn có ý thức về sứ mệnh, nhận được năng lượng của Trời Đất, vượt qua khó khăn, thách thức và thành công!".

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bo-truong-tttt-doanh-nghiep-lon-mo-lon-su-menh-lon-post1074922.vov