Tăng năng lực cạnh tranh nhờ các hiệp định thương mại

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Khai thác lợi thế này, Bắc Giang đã có những giải pháp để thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Nâng giá trị xuất khẩu

FTA là những hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Khi tham gia, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Nhận thức rõ vai trò của hội nhập quốc tế cũng như lợi thế của FTA, những năm qua Bắc Giang đã ban hành các nội dung bám sát chỉ đạo của T.Ư như: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030; Chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025; xúc tiến đầu tư, du lịch giai đoạn 2021-2025; phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025...; đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh.

 Nhờ lợi thế từ FTA, Bắc Giang đã thu hút nhiều DN FDI vào đầu tư.

Nhờ lợi thế từ FTA, Bắc Giang đã thu hút nhiều DN FDI vào đầu tư.

Cùng đó, Bắc Giang luôn chủ động đón dòng vốn, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Theo đó, tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho DN. Coi trọng vai trò người đứng đầu và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục rà soát các quy trình, thủ tục, giấy tờ không cần thiết để loại bỏ, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, xuất nhập khẩu, đất đai; công khai, minh bạch, tiếp thu các ý kiến, phản ánh để giải quyết kịp thời vấn đề DN gặp phải.

Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc phối hợp với cộng đồng DN và các cơ quan liên quan để mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư. Tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế; tranh thủ phát huy những lợi thế so sánh của địa phương, khai thác hiệu quả lợi thế của các FTA đã có hiệu lực. Tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với DN về chính sách hội nhập, cơ hội và thách thức trong hội nhập.

Theo ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại những cơ hội hợp tác và đầu tư từ các DN nước ngoài. Hầu hết DN FDI đầu tư tại Bắc Giang là do lợi thế thị trường FTA về cắt giảm điều kiện đầu tư nước ngoài, chính sách miễn giảm thuế của các quốc gia thành viên FTA đa phương và song phương, chính sách di chuyển lao động nước ngoài, xuất nhập khẩu dây chuyền máy móc, nguyên vật liệu, sản phẩm hàng hóa. Nhờ vậy, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bắc Giang từ năm 2020 đến nay luôn nằm trong tốp đầu cả nước.

Hiện toàn tỉnh có 560 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 27,4 tỷ USD, xếp thứ 6 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và TP Hải Phòng) và là tỉnh duy nhất trong toàn quốc xuất siêu. Ước tính 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 24 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước cả năm sẽ đạt hơn 33 tỷ USD. Đây là kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hội nhập kinh tế quốc tế đã có tác động tích cực song cũng đặt ra những thách thức đối với DN Việt Nam. Đó là sức cạnh tranh của DN trong nước nói chung, địa phương Bắc Giang nói riêng còn yếu, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu nghèo nàn; thiếu DN mạnh và sản phẩm chủ lực có thương hiệu để vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Các cam kết mở cửa thị trường đã tạo điều kiện cho các nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, nhất là từ các nước ký FTA song cũng dẫn tới cạnh tranh gay gắt với sản phẩm địa phương ngay trên sân nhà.

Để đồng hành, hỗ trợ các DN trong việc khai thác và tận dụng ưu đãi từ các FTA, Bắc Giang tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính.

Thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro cao do công tác dự báo thị trường chưa theo kịp sự phát triển. Nông sản của Bắc Giang còn bị cạnh tranh bởi nhiều loại hàng hóa thay thế khác trong cùng thời điểm mà các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam có lợi thế.

Để đồng hành, hỗ trợ các DN trong việc khai thác và tận dụng ưu đãi từ các FTA, Bắc Giang tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính. Theo Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp, đơn vị đã thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thông quan điện tử. Áp dụng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu luồng xanh cho các DN chấp hành tốt quy định của pháp luật về hải quan. Theo đó, DN sẽ được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan; hướng đến môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ" nhằm phổ biến, cập nhật các quy định về điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM, chống lẩn tránh PVTM trong bối cảnh mới; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong xuất khẩu hàng hóa; khuyến nghị về vai trò của các bên liên quan và cơ chế phối hợp để ứng phó hiệu quả với các vụ việc PVTM, chống lẩn tránh PVTM.

Hướng dẫn cán bộ quản lý nhà nước, DN cách thức xử lý khi gặp các vụ kiện PVTM, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN và của các ngành sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, trong tháng 5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm pin năng lượng mặt trời của một số DN tại Bắc Giang.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp, cung cấp hồ sơ, đầy đủ, đúng hạn để bảo vệ DN. Tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của DN, từ đó phối hợp giải quyết, tháo gỡ kịp thời; hỗ trợ, kết nối các DN trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với DN FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đi đôi với giải pháp trên, các DN trong nước cần nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định của các nước nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật, tránh bị áp điều tra lẩn tránh PVTM.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tang-nang-luc-canh-tranh-nho-cac-hiep-dinh-thuong-mai-074742.bbg