Bộ trưởng TT-TT: Thông tin xấu, độc có khi từ chính chúng ta mà ra!
Trên không gian mạng có một câu chuyện là nếu như chúng ta đọc một tin xấu là vô hình trung chúng ta đã nuôi tin xấu đó và làm cho nó lan ra. Vì mỗi lần chúng ta đọc một tin xấu là có một view, mỗi lần có một view là người đưa tin đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên.
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chiều 8-11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành thì dấu hiệu tin nhắn rác lại xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa.
“Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ đối mặt bị kẻ xấu tấn công và không thể có dự đoán trước.
Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt, chịu thiệt hại cả vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe dọa khủng bố. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới xử lý như thế nào”, đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu, độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với vấn đề tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội.
Liên quan đến hành lang pháp lý, chúng ta đã có Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đều phải có một quy định pháp luật riêng nhằm xử lý tin sai, tin giả. Những nước gần chúng ta trong ASEAN, gần đây nhất đã ban hành một đạo luật về xử lý tin giả, đấy là Singapore, tinh thần chung của cái này xử lý rất nghiêm minh và có tính răn đe.
“Những người tung tin giả không phải phạt vài chục triệu như chúng ta mà có thể phạt đến hàng triệu đô la và phải đi tù, có thể đi tù đến 10 năm. Các mạng xã hội cũng xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí một số quốc gia người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù.
Chúng ta sẽ phải ban hành quy định pháp luật này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có một quy định pháp luật để xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng TT-TT nói.
Vấn đề thứ hai là những công ty nền tảng, đặc biệt là những công ty nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay chúng ta gặp vấn đề tin giả và xấu, độc chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước cơ bản chúng ta quản lý được, nền tảng ở nước ngoài chủ yếu là Facebook và Google. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách, làm việc cùng với Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, làm việc chuyên về hai nền tảng này hàng tháng.
Mục tiêu của chúng ta đặt ra là tuân thủ pháp luật của những nền tảng này, trong đó có những yêu cầu rất quan trọng có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội không xác định được danh tính cho nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên.
Thứ hai là nền tảng đó phải có công cụ tự động để những tin xấu, độc đã được định nghĩa thì tự động xóa bỏ. Thứ ba là hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc.
“Thông tin xấu, độc từ đâu ra? Cũng có khi từ chính chúng ta mà ra. Cho nên vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức và sống trên không gian mạng. Chúng tôi cũng kiến nghị làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp học phổ thông. Tôi nghĩ không gian này là một không gian mới chúng ta chưa quen và có rất nhiều kỹ năng chúng ta phải ứng xử, phải phân biệt được cái đúng, cái sai.
Trên không gian mạng có một câu chuyện là nếu như chúng ta đọc một tin xấu là vô hình trung chúng ta đã nuôi tin xấu đó và làm cho nó lan ra. Vì mỗi lần chúng ta đọc một tin xấu là có một view, mỗi lần có một view là người đưa tin đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên. Có nghĩa là vô hình trung chính chúng ta lại là người lan tỏa những thông tin này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng TT-TT, trước khi có Luật An ninh mạng chúng ta đã giải quyết những vấn đề trên không gian mạng vì chúng ta đã có những cơ sở pháp lý khác. Gần đây khi Luật An ninh mạng ra đời có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc này mạnh mẽ hơn.
Ví dụ như kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, trước đây đối với facebook chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ thực hiện khoảng 20-30 yêu cầu, gần đây do có nhóm làm việc nên tỷ lệ đã nâng lên đến 70%. Google ngày trước chúng ta nói 100 thì họ chấp hành cỡ khoảng 40-50 thôi, hiện nay chấp hành của họ đã lên đến mức 85%, thậm chí có một số nội dung lên đến hơn 90%.
Ví dụ như, gỡ các game xấu độc, game đánh bạc thì tỷ lệ ngăn chặn của google gần đây là 92%. Cách đây 2 ngày facebook cũng chính thức tuyên bố chặn những quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, cử tri bức xúc hiện nay nhiều người lợi dụng đưa các thông tin lên mạng xã hội không đúng sự thật, nói xấu, xuyên tạc, lôi kéo, kích động gây nhiều hậu quả xấu. “Bộ trưởng sẽ có những khuyến cáo gì để giúp cho người dân nhận biết đâu là những thông tin sai lệch và sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn những thông tin trên”, đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, rất nhiều quốc gia coi câu chuyện mỗi người dân có khả năng phân biệt trên không gian mạng, tin xấu, tin tốt, có khả năng phản biện, đấu tranh với các thông tin tiêu cực thì đấy là giải pháp căn cơ.
Trước đây chúng ta chỉ có một nguồn thông tin cho nên chúng ta tin gần như vô điều kiện vào thông tin do nhà nước đưa ra, nhưng bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng nên mỗi một cá nhân, một con người phải có kỹ năng sống trên không gian mạng.
Cho nên, tôi nghĩ rằng chuyện đưa vào từ giáo dục phổ thông, từ con em nhà mình, bây giờ con em nhà mình rồi cũng có ngày, cũng có lúc nó phải ra khỏi nhà mình. Ngoài kia thì cơ hội nhiều, nhiều cạm bẫy nên phải biết phân biệt.
Nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt cái tốt, cái xấu thì tự nhiên cái xấu không tồn tại được. Trên không gian mạng có một lôgic là nếu như bây giờ chúng ta lên không gian mạng đọc một tin xấu, tin độc là vô hình trung chúng ta đã trả tiền cho các thông tin xấu độc đó, tức là vô hình trung đã nuôi thông tin xấu độc đó. Nếu chúng ta nhận dạng được, chúng ta không xem thì những nguồn ấy không được tài trợ, dần dần nguồn đó cũng sẽ suy giảm đi.