Bộ trưởng: Xây dựng Công nghiệp văn hóa đòi hỏi tính sáng tạo, nghệ thuật

Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng để làm ra sản phẩm Công nghiệp văn hóa đòi hỏi tính sáng tạo, tính nghệ thuật.

Trong phiên chất vấn sáng 6/6, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu thực tế tại Việt Nam, sự phát triển Công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng sản phẩm từ các ngành Công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Phát triển Công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bền vững.

Từ đó đại biểu đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành Công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đối với chất vấn liên quan đến vai trò của Công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Du lịch văn hóa là một trong các ngành Công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030.

Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Thủ tướng tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển Công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển.

Với tinh thần đó, Bộ đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển Công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.

Bộ trưởng khẳng định ''đi theo hướng này, chắc chắn ngành Công nghiệp văn hóa của chúng ta sẽ đóng góp vào GDP, hy vọng đến 2030 là 7%" như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra.

Để làm được điều đó, Bộ trưởng cho biết các giải pháp phải đồng bộ, du lịch văn hóa phải được coi là sản phẩm chiếm tỷ trọng đóng góp nhiều hơn. Hiện, du lịch văn hóa chỉ đóng góp 10-15% tỷ trọng doanh thu từ hoạt động du lịch.

“Đúng là chưa tương xứng, nhưng để làm cho ra thành sản phẩm Công nghiệp văn hóa thì không phải địa phương nào cũng làm được. Mà còn đòi hỏi tính sáng tạo, tính nghệ thuật”, ông Hùng nói. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương đã làm rất tốt điều này.

Bộ trưởng nêu dẫn chứng di tích Nhà tù Hỏa Lò trước đây chỉ là nơi lưu trữ ký ức hào hùng lịch sử nhưng đã thổi hồn vào bằng hoạt động thực cảnh vào buổi đêm, du khách đến trải nghiệm rất đông và có ấn tượng sâu sắc. Hay với tháp nước Hàng Đậu, Hà Nội đã bắt nhịp tốt để biến đó trở thành sản phẩm du lịch.

Thời gian tới cần tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa. "Như Hàn Quốc đi đầu Công nghiệp văn hóa, để có được sản phẩm hôm nay, Bộ trưởng của họ trao đổi rằng đã cử hàng nghìn sinh viên đến Mỹ đào tạo từ 40-50 năm trước và đây là các chuyên gia đóng góp cho ngành Công nghiệp văn hóa", lãnh đạo Bộ VHTTDL nói.

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-truong-xay-dung-cong-nghiep-van-hoa-doi-hoi-tinh-sang-tao-nghe-thuat-ar875390.html