Bộ trưởng Xây dựng: Giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Còn nhiều vướng mắc
Sáng ngày 22-2, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội.
“Đây vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường BĐS cân đối trong cơ cấu sản phẩm BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay” – Ông Nguyễn Thanh Nghị nói.
Ông Nghị cho hay, kết quả đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 đến nay đã đạt được những dấu mốc quan trọng, trong đó về cơ bản đã tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, pháp lý. Và thực tế từ năm 2021 đến nay, cả nước đã triển khai 499 dự án với quy 411.000 căn hộ (trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn).
Cùng với đó, đến nay đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Hiện có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỉ đồng.
“Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025”, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định và thông tin dự kiến giai đoạn 2021-2025 cả nước sẽ làm 428.000 căn hộ (trong số hơn 1 triệu căn đến năm 2030).
Tuy nhiên theo ông Nghị, hiện vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội như: Nhiều địa phương chậm triển khai theo kế hoạch, thậm chí có nơi chưa có dự án được khởi công mới; Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Hà Nội, TP.HCM làm nhà ở xã hội chưa như kỳ vọng
Thông tin cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến ngày 5-2-2024, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020 là 3.359ha.
Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn. Trong số đó 71 dự án với quy mô 37,8 nghìn căn đã hoàn thành; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107 nghìn căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265,4 nghìn căn.
Ông Sinh cho hay, có nhiều địa phương đã tích cực thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: Bắc Ninh có 15 dự án với 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án với 12.400 căn; Hải Phòng 7 dự án với 11.600 căn; Bình Dương 7 dự án với 6.500 căn; Đồng Nai 8 dự án với 9.000 căn; Bình dương 7 dự án với 6.500 căn; Thanh Hóa 9 dự án với 4.900 căn...
“Tuy nhiên hiện vẫn còn một vài địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư chưa đạt kỳ vọng so với mục tiêu của đề án đến năm 2025. Đơn cử như Hà Nội có 3 dự án với 1.700 căn, TP.HCM có 7 dự án với 4.996 căn, Đà Nẵng có 5 dự án với 2.750,” ông Sinh nói.
Thậm chí một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An...
Để đẩy nhanh tiến độ làm nhà ở xã hội ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Về nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét, kiểm tra thủ tục pháp lý, danh mục dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỉ đồng để công bố công khai…
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án NƠXH lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công; Với các dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư, cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục giao đất; lập hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cấp phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công công trình… để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội; chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng.