Bộ trưởng Xây dựng nói về giải pháp 'bắt bệnh' quy hoạch treo
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo.
Yêu cầu địa phương công khai quy hoạch, thực hiện theo đúng quy định
Sáng nay (7/11), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đặt câu hỏi sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 62 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quy trình quản lý sử dụng đất đô thị để khắc phục tình trạng quy hoạch, dự án treo, Bộ Xây dựng đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, sau khi có Nghị quyết 62, Bộ đã triển khai thực hiện các nội dung trong nghị quyết và tiến hành rà soát Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị cùng các văn bản hướng dẫn.
Qua đó, tham mưu sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trên, nhằm tạo điều kiện cho người dân về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại các dự án có quy hoạch chậm thực hiện.
Theo ông Nghị, Bộ Xây dựng có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra với các địa phương, đôn đốc nhiệm vụ thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, cơ quan này có nhiều văn bản đề nghị địa phương điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn, không có tính khả thi; yêu cầu địa phương công khai quy hoạch, thực hiện theo đúng quy định về lập quy hoạch đầu tư.
Cùng với đó, Bộ có kế hoạch đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
"Chúng tôi đang xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo", Bộ trưởng Nghị trả lời.
Một số địa phương "khan rác" để xây dựng nhà máy xử lý
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) dẫn con số tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao, ở đô thị đạt 96% và 75% nông thôn.
"Tuy nhiên, qua giám sát, con số này chưa chuẩn do hệ thống thu gom xử lý chưa tốt. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp?", đại biểu Xuân hỏi.
Về nội dung này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, đến năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là hơn 67.000 tấn/ngày.
Những năm qua, có nhiều nhà máy xử lý rác được xây dựng. Hiện nay, tỷ lệ chôn lấp là 65%.
Thực tế, rác thải mà đại biểu nêu là dạng chôn lấp. Việc phát triển các hình thức khác như đốt rác còn gặp khó khăn do chưa có phân loại rác tại nguồn; một số địa phương chưa đủ lượng rác để xây dựng nhà máy.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành quy định về điểm tập kết, yêu cầu kỹ thuật về xe vận chuyển, giá dịch vụ thu gom, phương pháp định giá xử lý chất thải…
Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách về xử lý chất thải rắn trong thời gian tới, trong đó xây dựng định mức về xử lý.