Bộ trưởng Y tế: 'Ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng, Bắc Giang cần đặt báo động cao nhất'
Nhận định thời gian tới Bắc Giang vẫn đối mặt tình trạng gia tăng ca nhiễm, Bộ trưởng Y tế đề nghị địa phương cần đặt trong trạng thái báo động cao.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang sáng 18/5, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình dịch tại Bắc Giang có nhiều điểm khác biệt, bởi dịch xảy ra ở khu công nghiệp, đặc biệt là tại nhà máy, số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian rất ngắn.
Tỉnh phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên từ ngày 8/5 và sau hơn 1 tuần đã phát hiện hơn 400 ca F0, kéo theo đó số F1 tăng rất nhanh gây áp lực lớn về cách ly và điều trị. Dịch từ một nhà máy, 1 khu công nghiệp lan ra các khu công nghiệp và địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Có ca xâm nhập vào một số tỉnh, thành khác xuất phát từ Bắc Giang.
“Thời gian tới, Bắc Giang vẫn đối mặt tình trạng gia tăng ca nhiễm, đặc biệt là trong khu công nghiệp đã phong tỏa và một số địa bàn khu dân cư có mối quan hệ mật thiết với công nhân khu công nghiệp. Ngoài ra, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng tại Bắc Giang cũng là rất lớn, có thể bây giờ chưa thể hiện, nhưng mấy ngày nữa khả năng sẽ phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Khi đó, chúng ta phải đối mặt với 2 mặt trận là: khu công nghiệp và cộng đồng.
Do đó, tỉnh Bắc Giang phải đặt trong trạng thái báo động rất cao, ở mức độ cao nhất để kiểm soát thật tốt tình hình dịch. Chúng ta phải làm mạnh còn hơn là phải đuổi theo dịch”, ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với những khu vực nguy cơ.
Tại buổi làm việc, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết hiện tỉnh đã giãn cách theo Chỉ thị 15 đối với 4 huyện, trong đó huyện Việt Yên và 1 phần huyện Yên Dũng là nguy cơ nhất, 3 xã đã cách ly theo Chỉ thị 16 từ đêm ngày 17/5.
Tuy nhiên ông Duong cũng cho rằng, tại các khu công nghiệp của tỉnh, thành phần công nhân rất phong phú, đa đạng…Do đó, tỉnh phải quyết định cách ly toàn bộ huyện Việt Yên để công nhân không tỏa đi các tỉnh, không về quê. Bởi đây là nơi có nguy cơ nhất, tập trung đông công nhân, 100.000 người, đến từ 57 tỉnh, thành trên cả nước (Bắc Giang đã gửi danh sách cho các tỉnh, để thực hiện giám sát).
Đối với khu nhà trọ quanh KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang cũng đã phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm 28.000 người dân.
Bắc Giang cũng đã xét nghiệm vòng 1 công nhân của tất cả các khu công nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị tỉnh xét nghiệm ngay vòng 2 từ nay đến cuối tuần.
Xây dựng kịch bản 3.000 ca mắc
Đồng tình với việc tỉnh Bắc Giang xây dựng kịch bản 3.000 người mắc, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý tỉnh phải xây dựng kịch bản về hậu cầu, điều trị, trong đó phải có 3.000 giường bệnh. Về sản xuất trong các khu công nghiệp, tỉnh cần giãn cách, không để công nhân làm việc 100% công suất.
Bắc Giang rất nỗ lực xét nghiệm nhưng tốc độ trả mẫu của tỉnh còn hạn chế. Hiện Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Giang 40.000 sinh phẩm xét nghiệm PCR. Thời gian tới Bộ sẽ hỗ trợ thêm 20.000 sinh phẩm xét nghiệm nữa cho tỉnh. Tổng là 60.000 sinh phẩm xét nghiệm PCR.
“Bộ Y tế đã cho xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Nếu dương tính thì phải xét nghiệm lại PCR. Tuy nhiên, ngay cả khi chờ xét nghiệm PCR mà kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì vẫn phải xử lý như ca dương tính. Tỉnh nên huy động xét nghiệm tổng lực, trong đó đẩy nhanh xét nghiệm kháng nguyên.
Đơn vị nào có năng lực, đủ điều kiện xét nghiệm thì thực hiện ngay. Chúng tôi không hạn chế. Giải tỏa ngay 70.000 mẫu, để phát hiện ngay F0 và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài ra, tỉnh cũng cần lưu ý là mẫu F1 phải thực hiện xét nghiệm mẫu đơn, tuyệt đối không thực hiện mẫu gộp để tránh khi phát hiện mẫu dương tính lại phải làm lại, phải truy vết lại", ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn truong hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm sàng lọc COVID-19.