Bộ trưởng Y tế: Kiên quyết yêu cầu người dân 'ai ở đâu thì ở đó'
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý TP.HCM quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, nhất là đối với cấp cơ sở.
Sáng 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 23 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Tại hội nghị, thay mặt Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo quan trọng về kết quả thực hiện giãn cách xã hội.
9 bài học kinh nghiệm
Qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch vừa qua, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Bộ trưởng Y tế nêu ra chín bài học kinh nghiệm.
Đáng chú ý là bài học về huy động sức dân, xác định đúng vai trò “mỗi người dân là một chiến sỹ” trong cuộc chiến phòng, chống dịch; kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở, thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” tại địa bàn dân cư sinh sống. Đồng thời phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
“Cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế xã hội”- ông Long nói.
Theo Bộ trưởng Y tế, các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng “chặt ngoài lỏng trong” để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.
Ông Long cũng nhắc tới việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng. Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo hiệu quả.
Công tác điều trị phải chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao. Thực hiện phân tầng điều trị, khẩn trương thiết lập và đưa vào vận hành các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch. Đảm bảo sẵn sàng, các phương tiện, vật tư thiết yếu để thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 như máy thở, ô xy y tế.
Vấn đề an sinh xã hội, phải đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch…
Ngoài ra, công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Cần huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội; sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với công tác phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược “ngoại giao vaccine”…
Riêng đối với TP.HCM, Bộ trưởng Y tế lưu ý công tác tổ chức thực hiện, quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, nhất là đối với cấp cơ sở.
Cạnh đó, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện phòng, chống dịch để kịp thời đáp ứng với các thay đổi của diễn biến dịch bệnh khi số mắc, tử vong tăng cao. Đồng thời, có kế hoạch điều phối hiệu quả các hoạt động chuyên môn về xét nghiệm, điều trị, chuyển tuyến cấp cứu người bệnh, công tác phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn…
“Áp dụng các biện pháp cao hơn nếu không đạt hiệu quả”
Về giải pháp trong thời gian tới, thứ nhất Bộ trưởng Y tế đề nghị tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch.
“Đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; chỉ đạo tốt, tuân thủ tốt, thực hiện tốt trong điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch ở các cấp trên địa bàn”- ông Long nói đồng thời lưu ý việc đẩy mạnh và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư...
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định.
“Áp dụng các biện pháp cao hơn nếu không đạt hiệu quả”- ông Long nhấn mạnh.
Cạnh đó, thực hiện xét nghiệm thần tốc, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiên quyết bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” trên địa bàn để từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch tiếp tục lây lan rộng hơn.
Thứ ba, áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất…
Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là đối với người dân tại các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, các đối tượng yếu thế; đảm bảo thực hiện thu dung, điều trị, cấp cứu kịp thời cho người dân khi có yêu cầu.
Thứ năm, chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch tổng thể về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn để nhanh chóng triển khai tiêm ngay khi có vaccine về Việt Nam.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, minh bạch thông tin để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội…
Thứ bảy, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; không để đứt gãy các chuỗi sản xuất tạo điều kiện thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.