Bộ trưởng Y tế: 'Tình hình dịch đã được kiểm soát khả quan'
'Hôm nay, Hải Dương có thể ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính. Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt, hy vọng sẽ không có sự lan rộng trong khu vực này', ông Nguyễn Thanh Long nói.
15h45 ngày 29/1, tại cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương và cơ sở y tế của Quảng Ninh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh khi trong thời gian ngắn đã thiết lập được 2 bệnh viện dã chiến ở khu vực này gồm Trung tâm Y tế Chí Linh và Bệnh viện Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Lập phòng xét nghiệm công suất lớn
Lãnh đạo Bộ Y tế xác định Chí Linh là vùng dịch tễ đáng quan ngại. Trong đó, công ty TNHH POYUN là tâm dịch. Hiện hầu hết ca dương tính đều ở trong công ty này. Một số công ty khác liên quan không ghi nhận người nhiễm virus. Điều quan trọng là chúng ta đã kiểm soát toàn bộ, khoanh vùng khu vực nguy hiểm.
Bộ trưởng đề nghị bằng mọi giá trong hôm nay phải chuyển toàn bộ công nhân ra khỏi khu vực này, đưa tới khu cách ly tập trung; chuyển người dương tính hoặc nghi ngờ dương tính tới Bệnh viện dã chiến - Trung tâm Y tế Chí Linh để điều trị ngay.
"Hôm nay, Hải Dương có thể ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính. Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt, hy vọng sẽ không có sự lan rộng trong khu vực này. Trong thời gian ngắn chúng ta kiểm soát tình hình khả quan, có những tia hy vọng”, ông Long nói.
Về xét nghiệm, ngành y tế đã chi viện tối đa cho Hải Dương. Hiện phòng xét nghiệm có công suất tối đa 50.000 mẫu/ngày.
Về điều trị, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Y tế Chí Linh, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã nhanh chóng thành lập 2 bệnh viện dã chiến.
Trong đó, đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện dã chiến Trung tâm Y tế Chí Linh. Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ bệnh viện dã chiến ở Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
“Tất cả bệnh nhân đều phải được chuyển tới 2 bệnh viện này để điều trị. Chỉ những trường hợp rất nặng mới chuyển lên trung ương. Vì virus lần này là biến chủng, lây nhanh, nên cần đảm bảo vấn đề kiếm soát nhiễm khuẩn và vận chuyển, cần triển khai phương châm tại chỗ”, ông nói.
Chuẩn bị phương án khi bệnh nhân diễn biến nặng
Ngành y tế đã chuẩn bị phương án xấu hơn là thành lập bệnh viện dã chiến thứ 3 ở Hải Dương. “Nhưng hy vọng con số bệnh nhân sẽ giảm. Trước mắt, chúng ta đã đảm bảo công tác điều trị”, ông nói.
Hiện tại, một số ca bệnh ghi nhận ở Trung tâm Y tế Chí Linh và bệnh viện Đa khoa tỉnh nên vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn cần được giám sát chặt chẽ đồng thời lẫy mẫu toàn bộ các bệnh viện này. Kỹ thuật thận nhân tạo, IUI, máy thở, ECMO cũng cần được trang bị tại các cơ sở này.
Giáo sư Phạm Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Điều trị, đề nghị các bệnh viện áp dụng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đặc biệt, ông lưu ý các bệnh nhân sẽ diễn biến nặng, bệnh viện cần có phương án chuẩn bị.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, báo cáo Trung tâm Y tế Chí Linh trong sáng nay đã giải tỏa toàn bộ bệnh nhân để tập trung điều trị người mắc Covid-19. Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tới đây chi viện.
Bệnh viện dã chiến Trung tâm Y tế Chí Linh có 45 bác sĩ, 70 điều dưỡng, trước mắt có thể đảm nhiệm tối đa 200 bệnh nhân.
Bệnh viện dã chiến thứ hai - Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương - đã tiếp nhận 31 bệnh nhân Covid-19, trong đó, có 2 trường hợp có thai đang theo dõi sát (24 và 34 tuần). Hiện bác sĩ chuyên khoa sản đã có mặt để đảm bảo xử trí kịp thời khi thai phụ chuyển dạ. Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị tại bệnh viện dã chiến này.
Như vậy, sau 57 ngày không xuất hiện ca mắc mới ở cộng đồng, Việt Nam có thêm 93 bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây được đánh giá là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phát thông báo khẩn tìm người đến 31 địa điểm ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội do liên quan người mắc Covid-19. Cơ quan này đã cử lực lượng khoảng 1.000 người thuộc nhiều lĩnh vực xuống Hải Dương chi viện cho tỉnh này để dập dịch.