Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt 'mắc kẹt' nơi xứ người

Hai tập truyện tranh mới ra mắt trong bộ 'Kí ức kiều bào' của họa sĩ người Pháp Clément Baloup đã hé lộ phần nào về đời sống xa xứ của các lính thợ, các chân đăng trong giai đoạn Thế chiến II. Bộ truyện tranh đã mở ra một phần lịch sử, qua kí ức của chính những người trong cuộc.

Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai (1939-1945), có khoảng 20.000 lính thợ người Việt bị đưa sang Pháp làm việc, một số nhỏ trong đó là tự nguyện đăng ký, còn phần đông là bị trưng tập bắt buộc. Ở Pháp, họ bị đưa đi lao động ở các công xưởng, nhà máy, đồng ruộng…

Bị mắc kẹt vì cuộc chiến, một số người tự nguyện ở lại, một số người không thể hồi hương, còn những người hồi hương cũng gặp nhiều thăng trầm do danh tính “lính thợ”. Câu chuyện về họ cũng gần như bị vùi lấp trong cát bụi thời gian, ít được biết tới với cả người Pháp và người Việt Nam.

Khi điều tra vụ đóng cửa một nhà máy ở thành phố Arles (Pháp), nhà báo Piere Daum vô tình chú ý đến câu chuyện về những người lính Đông Dương nơi đất Pháp trong Thế chiến II.

Piere Daum đã rong ruổi điều tra và cho ra mắt một cuốn sách về chủ đề này, mang tên Nhập cư cưỡng bức - Lính thợ Đông Dương ở Pháp, xuất bản năm 2009. Cuốn sách này cũng chính là tài liệu được họa sĩ Clément Baloup sử dụng làm “xương sống” cho tập truyện tranh Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến II trong series truyện tranh Kí ức kiều bào mới ra mắt tại Việt Nam trong tháng 5/2025.

Kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh, truyện tranh Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến II giúp người đọc dễ tiếp cận với những mảnh ghép lịch sử về những lao động Việt Nam ở Pháp mà ít người biết đến.

Qua đó, những người lính thợ năm xưa đã có dịp kể câu chuyện của riêng mình. Có người trước khi lên tàu sang Pháp, bị giam ở trại tập trung, ngay cả người thân đến thăm viếng cũng không được vào, chỉ có thể nói chuyện qua một cái lỗ trên bức tường xung quanh trại.

Cũng có người được đưa đến cánh đồng hẻo lánh ở mạn Arles để làm ruộng. Là những người thạo việc đồng áng, những người Việt đã tạo ra một kỳ tích khi gieo hạt trên 500 héc-ta đã thu được 1.600 tấn gạo trong năm đầu tiên.

Vẫn với chủ đề về những người lao động Việt xa xứ, cuốn truyện tranh Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới của cùng tác giả Clément Baloup trong bộ Kí ức kiều bào lại theo những chuyến tàu thủy từ Hải Phòng vượt biển chở theo hàng nghìn nông dân Việt Nam tới các quần đảo ở châu Đại Dương xa xôi.

Họ đi theo diện xuất khẩu lao động tự nguyện, làm việc với hợp đồng 5 năm thông qua các công ty tuyển dụng của thực dân Pháp. Những con người ấy được gọi là “chân đăng” (đăng kí một chân lao động).

Nhưng cuộc sống của các chân đăng làm phu mỏ ở New Caledonia (Tân Thế Giới) - không hề dễ dàng. Ở New Caledonia, những lao động Việt lĩnh mức lương trung bình 12 đồng bạc Đông Dương đối với nam, và 9 đồng bạc đối với nữ - nghĩa là cao gấp 30 lần mà họ có thể kiếm được ở Đông Dương. Nhưng không ai nói với họ rằng nhà máy than cốc ở New Caledonia là địa ngục trần gian, với những vất vả, độc hại, điều kiện sống tồi tệ, có thể khiến người ta xong đời ở tuổi 40.

Với ba câu chuyện nhỏ trong Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới, Clément Baloup dẫn dắt người đọc len lỏi vào những khu mỏ, kể về những vất vả của những người Việt tại New Caledonia, cùng với đó là tình yêu đất nước, lòng nhiệt thành ủng hộ Bác Hồ. Vào năm 1964, chính các kiều bào đã mua và chuyển một chiếc ô tô của hãng Citroen về tặng Chính phủ và Bác Hồ.

Tác giả Clément Baloup (phát biểu) trong buổi ra mắt 2 cuốn trong bộ "Kí ức kiều bào".

Tác giả Clément Baloup (phát biểu) trong buổi ra mắt 2 cuốn trong bộ "Kí ức kiều bào".

Dù sinh ra ở Pháp, lớn lên ở châu Âu, Polynesia và Nam Mĩ nhưng họa sĩ Clément Baloup luôn dành sự quan tâm cho Việt Nam, bắt nguồn từ xuất thân của anh, vốn có mẹ người Pháp và cha là Việt kiều người Pháp.

Theo anh, những trang truyện tranh mang đến cơ hội để anh chia sẻ những cảm xúc của mình, thể hiện với thế giới góc nhìn của riêng anh. Clément Baloup chia sẻ: “Kí ức sẽ dần phai nhạt trong tâm trí mỗi người, bởi vậy, tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết những kí ức mong manh ấy với các mốc thời gian giá trị, nhằm hé lộ những lẽ tất yếu của số phận con người.

Thùy Dương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/bo-truyen-tranh-ke-nhung-chuyen-it-biet-ve-the-he-nguoi-viet-mac-ket-noi-xu-nguoi-post1741977.tpo