Bộ TT&TT: Đẩy nhanh triển khai Năm dữ liệu số quốc gia
Phải phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số thống nhất trên toàn quốc.
Bộ TT&TT vừa có Văn bản số 3272/BTTTT-CĐSQG gửi các bộ, ngành, địa phương và Văn bản số 3273/BTTTT-CĐSQG gửi các hiệp hội, hội, tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc đôn đốc triển khai Năm dữ liệu số quốc gia.
5/8 chỉ tiêu chưa đạt 50% so với yêu cầu
Trong đó, hướng dẫn về các yêu cầu đối với các mục tiêu về dữ liệu số được nêu tại Quyết định 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) về việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2023.
Căn cứ vào kế hoạch hành động trọng tâm Năm dữ liệu số quốc gia được ban hành kèm theo Quyết định 17/QĐ-UBQGCĐS và các văn bản nêu trên, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, hội, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương tổ chức thực hiện.
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về kết quả của việc triển khai, Cục CĐS quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết tính đến tháng 8-2023, kết quả hoàn thành tám mục Năm dữ liệu số quốc gia, có 5/8 chỉ tiêu chưa đạt 50% so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể, tỉ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục đạt tỉ lệ 52,3%/100%.
Các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch đạt tỉ lệ 19,7%/100%.
Ngoài ra, tỉ lệ trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và dán nhãn tín nhiệm mạng đạt tỉ lệ 58%/100%.
Đáng chú ý, thống kê cũng chỉ ra tỉ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học và các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân đang hoạt động đào tạo các trình độ cao đẳng, đại học đã tiến hành rà soát các chương trình đào tạo để xem xét bổ sung, lồng ghép nội dung, chuẩn đầu ra về dữ liệu lớn, thiết kế, phân tích, xử lý dữ liệu phù hợp với đặc thù tương ứng của từng ngành, nghề đào tạo… được đánh giá là tỉ lệ còn thấp, chưa có số liệu thống kê.
Khai thác dữ liệu số, tạo ra các giá trị mới
Trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 516/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch triển khai Năm dữ liệu số quốc gia.
Cụ thể, năm 2023 gắn với chủ đề Năm dữ liệu số quốc gia nhằm giúp khai thác dữ liệu số, tạo ra các giá trị mới. Các nhiệm vụ trong kế hoạch sẽ tập trung vào bốn nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.
Trong tháng 4-2023 - khởi động Năm dữ liệu số quốc gia với chủ đề về dữ liệu mở cùng các hoạt động: Công bố kế hoạch hành động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về CĐS; hoàn thành việc xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và CĐS quốc gia; tổ chức phát động Tháng dữ liệu mở và công bố phiên bản mới của cổng dữ liệu quốc gia data.gov.vn; công bố sổ tay hướng dẫn phát triển dữ liệu mở, khóa học trực tuyến miễn phí về dữ liệu mở và ra mắt Liên minh Dữ liệu mở Việt Nam.
Bộ TT&TT lên kế hoạch cụ thể về chủ đề cùng các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tổ chức thực hiện trong từng tháng.
Từ tháng 8 đến tháng 11-2023 sẽ tập trung vào các chủ đề: Nhân lực dữ liệu; hạ tầng dữ liệu quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ thông tin cá nhân. Hàng loạt nhiệm vụ trong từng tháng theo các chủ đề cũng đã được bộ phân công rõ cho các cơ quan, đơn vị với yêu cầu cụ thể về kết quả cần đạt được. Trong tháng 12-2023 sẽ tổng kết Năm dữ liệu số quốc gia và phát hành bộ tem Năm dữ liệu số quốc gia.
Không chuyển đổi số nhanh, chúng ta sẽ tụt hậu
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh năm 2023 là năm “tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh CĐS là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Nếu chúng ta không CĐS nhanh, CĐS mạnh, CĐS toàn diện, hiệu quả thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Song song đó, phát triển dữ liệu tạo nền tảng cho triển khai, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-tttt-day-nhanh-trien-khai-nam-du-lieu-so-quoc-gia-post753074.html