Bộ TT&TT đề nghị tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí
Lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết đơn vị này đã trình công văn trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lên lãnh đạo Bộ Tài chính, trong vài ngày tới, sẽ có văn bản chính thức trả lời.
Bộ TT&TT đề xuất 5 nhóm vấn đề
Bộ TT&TT vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí theo 5 nhóm vấn đề.
Với nhóm vấn đề thứ nhất, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công.
Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; thống nhất về tính chi phí tiền lương trong đơn giá.
Về nhóm vấn đề thứ 2, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi định mức tính chi phí tiền lương trong giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 60 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, cho phép việc xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng đối với các đơn vị nhóm 1 và nhóm 2.
Trong đó, đối với các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đơn giá tiền lương theo thực tế 3 năm liền kề của đơn vị khi lập phương án giá dịch vụ. Đối với các đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ được tính theo chi phí tiền lương bình quân theo thực tế 3 năm liền kề.
Ngoài ra, Bộ TT&TT còn đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan chủ quản đặt hàng; đề nghị xem xét hướng dẫn về điều kiện đặt hàng; sửa đổi, bổ sung trình tự thủ tục đặt hàng dịch vụ công và về phương thức quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.
Với nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành luật giá, trong đó không quy định bộ quản lý ngành, lĩnh vực trách nhiệm thẩm định phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Trung ương lĩnh vực TT&TT… Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có cơ chế quản lý giá phù hợp để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc nhận đặt hàng thông tin, tuyên truyền từ các cơ quan, đơn vị khác không phải là cơ quan chủ quản.
Nhóm ý kiến về chính sách thuế, theo Bộ TT&TT, hiện nay các cơ quan báo chí in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Vì vậy, Bộ TT&TT đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Ngoài ra, Bộ TT&TT còn đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho các cơ quan chủ quản báo chí để giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu…
Báo chí gặp khó vì thuế
Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều là đơn vị sự nghiệp có thu, áp dụng cơ chế tài chính theo quy định chung của Chính phủ, do đó để đảm bảo bình đẳng với các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc các lĩnh vực khác, về mặt pháp lý và quan điểm xây dựng luật đều tuân thủ nguyên tắc không xây dựng quy định khác biệt mà thực hiện theo quy định chung của Chính phủ. Tuy nhiên, do tính đặc thù của các cơ quan báo chí, nên khi đề xuất về chính sách thuế, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ ngành liên quan và Hội nhà báo Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số cơ chế phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí và đúng thẩm quyền của Chính phủ.
Trên quan điểm đó, năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 150/2010/TT-BTC. Đây là lần đầu tiên có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện thuế đối với cơ quan báo chí gồm: báo in, báo hình, báo nói. Việc xây dựng và ban hành nên Thông tư 150/2010/TT-BTC đã gỡ bỏ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn cho cơ quan báo chí, nhất là những đơn vị có thu.
Tuy nhiên, đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2023/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các cơ quan báo chí, có hiệu lực từ ngày 18/5/2023. Các nội dung quy định về thuế GTGT, thuế TNDN tại Thông tư số 150/2010/TT-BTC không còn được áp dụng trên thực tế mà được áp dụng thống nhất theo pháp luật thuế GTGT, thuế TNDN hiện hành. Điều này khiến cơ quan báo chí đang trong bối cảnh khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Đơn cử, trước đây, Thông tư số 150/2010/TT-BTC đã tạo điều kiện cho cơ quan báo chí khi cho phép trường hợp bán báo và quảng cáo không đủ bù đắp chi phí, nên phải tính chung phần thu từ các hoạt động khác như thu tài chính, các chương trình hội thảo, sự kiện. Đặc biệt, Thông tư số 150/2010/TT-BTC cho phép cơ quan báo chí được tính “chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp”.
Nhờ đó mà các cơ quan báo mới đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ phóng viên làm việc. Thế nhưng nay, Thông tư số 150/2010/TT-BTC bị bãi bỏ, không được tính chi phí tiền lương thực nhận của cán bộ phóng viên vào chi phí hợp lý hợp lệ thì sẽ rất thiệt thòi cho cơ quan báo chí có tự chủ kinh phí, không hưởng lương từ ngân sách. Trong trường hợp này, thu nhập của người lao động trong cơ quan báo chí sắp tới có nguy cơ sẽ còn giảm mạnh.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính, Bộ Tài chính căn cứ theo luật Thuế GTGT, luật Thuế TNDN sửa đổi bổ sung năm 2013 thì cũng cần sửa đổi bổ sung Thông tư số 150/2010/TT-BTC cho phù hợp chứ không nên bãi bỏ cả toàn bộ thông tư. Cơ quan báo chí không chỉ là cơ quan đặc thù, còn mang tính chính trị xã hội sâu sắc, do đó cần có thông tư hướng dẫn riêng, chứ tính chung như doanh nghiệp thì cần xem xét một cách đầy đủ, rõ ràng để có thể thực hiện. Nếu không, sẽ gây gánh nặng thuế cho cơ quan báo chí.
Trao đổi với Báo CAND, lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết 5 nhóm vấn đề mà Bộ TT&TT kiến nghị, thì hầu hết đều thuộc các bộ, ngành, địa phương và thẩm quyền của Chính phủ, chỉ có vài vấn đề nhỏ liên quan tới Bộ Tài chính. Ví dụ như về định mức kinh tế kỹ thuật, thì thuộc về các bộ ban hành quy định, như với các bệnh viện thì Bộ Y tế sẽ ban hành, với giáo dục thì Bộ Giáo dục & Đào tào, với báo chí thì Bộ TT&TT ban hành. Riêng một số vấn đề nhỏ thuộc Bộ Tài chính thì Bộ đã trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định 60. Còn hiện nay, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp đã trình công văn trả lời Bộ TT&TT lên lãnh đạo Bộ Tài chính, trong vài ngày tới, sẽ có văn bản trả lời chính thức công khai với báo chí.