Bộ TT&TT tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT nhấn mạnh việc nâng cao kỹ năng viết bài tuyên truyền về nhân quyền đóng vai trò then chốt.
Quy định rõ, cụ thể về quyền con người
Sáng 7/8, Bộ TT&TT (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị Phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành Thông tin và Truyền thông.
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết, quyền con người là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và xác định công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương mới nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, Đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người.
Bên cạnh đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam đã quy định rõ ràng và cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực quyền con người, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079 phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028.
Trong đó, nhiều mục tiêu được đề ra như: Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về quyền con người qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các bộ, ngành kế hoạch thực hiện Đề án.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1933 ngày 21/10/2022 về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1079 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ (trong đó có Vụ Pháp chế) tổ chức triển khai các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quyền con người.
"Theo Kế hoạch, trong năm 2024, Vụ Pháp chế sẽ tổ chức 2 Hội nghị phổ biến trong lĩnh vực này tại Hà Nội và Hồ Chí Minh", ông Hồ Hồng Hải cho hay, đồng thời nhấn mạnh, Hội nghị phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người là một trong những nhiệm vụ thường xuyên do Bộ TT&TT tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên và các cán bộ quản lý công tác thông tin và truyền thông.
Thông qua các kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và các hoạt động nghiệp vụ, các phóng viên, biên tập viên, các cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực Thông tin và Truyền thông có thể truyền tải thông tin đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội.
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Có thể nói, vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này.
"Sự tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng. Đồng thời, tạo sức ép để các cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn", ông Hải nói.
Trong thời đại công nghệ số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội đã trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng viết bài tuyên truyền về nhân quyền cũng đóng vai trò then chốt. Một bài viết có sức thuyết phục không chỉ đòi hỏi kiến thức sâu rộng về chủ đề mà còn cần kỹ năng truyền đạt, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và khả năng kết nối với độc giả.
Do đó, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đào tạo, tập huấn cho các phóng viên, nhà báo và các cán bộ truyền thông là hết sức cần thiết để họ có thể viết ra những bài viết chất lượng, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng trong lĩnh vực này.
Thông qua hội nghị không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền thời gian vừa qua mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau học hỏi, trao đổi thảo luận và cập nhật các thành tựu của Việt Nam trong thời gian vừa qua, đồng thời, nâng cao những kiến thức mới về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người để thông qua đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho toàn dân, góp phần đưa các chính sách này vào sâu trong cuộc sống.
"Những thông tin, bài học và kinh nghiệm được chia sẻ trong hội nghị sẽ là nguồn cảm hứng và động lực để chúng ta tiếp tục công việc quan trọng này", ông Hải nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông đã được nghe các chuyên đề "Đảm bảo quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam", "Phát huy vai trò của truyền thông báo chí trên lĩnh vực quyền con người" do PGS.TS.Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày.