'Bộ tứ châu Phi' - vai trò của Đức, Pháp và tín hiệu của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp tham gia 'bộ tứ' hợp tác với châu Phi trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi giữa năm nay. Tại sao Trung Quốc lại đột ngột đề xuất quan hệ đối tác này và liệu có thể mang lại kết quả?
“Bộ tứ châu Phi” là gì?
Ở một mức độ nào đó, động thái trên của Trung Quốc là phản ứng chính trị đối với cam kết “Xây dựng lại quan hệ đối tác thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) do các nền kinh tế G7 đưa ra vào tháng 06/2021 và được truyền cảm hứng từ Mỹ. Bản thân nó là cũng nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2 bên trái) muốn Đức và Pháp tham gia "Bộ tứ châu Phi" - Ảnh: AFP
Trên lý thuyết, “Bộ tứ châu Phi” có ý nghĩa chiến lược đối với cả bốn bên, tức Trung Quốc, Đức, Pháp và châu Phi, nhưng rất ít khả năng thành hiện thực. Trước đây, các nỗ lực nhằm chính thức hóa các mối quan hệ không chính thức tại lục địa đen đã thất bại. Một đề xuất tương tự như vậy của Trung Quốc cũng có thể sẽ chịu chung số phận.
Quan hệ đối tác kinh doanh Trung - Pháp và Trung - Đức tại châu Phi hiện vẫn dưới hình thức quan hệ nhà thầu - giám sát, một mô hình hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng theo yêu cầu của khách hàng châu Phi.
Các chính phủ châu Phi đánh giá cao sự hòa trộn giữa giá cả Trung Quốc và chất lượng châu Âu. Bởi vậy, họ khuyến khích các công ty Đức như Gauff, Lahmeyer và STEAG, cũng như các công ty Pháp như SOCOTEC, Solaria và Egis giám sát các nhà thầu Trung Quốc.
Mối quan hệ này đang dần phát triển và trở thành quan hệ đối tác, được điều khiển bởi các công ty tư nhân Pháp, Đức và Trung Quốc. Các công ty và ngân hàng của Đức cũng bắt đầu tiếp cận trực tiếp các doanh nghiệp Trung Quốc và ký kết các thỏa thuận đối tác cho phép họ thu lợi từ BRI.
Thậm chí, các công ty đa quốc gia của Pháp còn muốn thiết lập lại phương thức hợp tác của họ với các công ty Trung Quốc, bằng cách thành lập các liên doanh và tập đoàn Pháp - Trung. Các doanh nghiệp Pháp và Đức hoạt động ở châu Phi đã nhận ra sự cần thiết phải tìm cách làm việc với người Trung Quốc, nếu họ muốn duy trì hoạt động ở lục địa này.
Sự ngần ngại của Đức và Pháp
Quan hệ đối tác kinh doanh Pháp - Trung và Đức - Trung không có dấu hiệu chậm lại, song sáng kiến “Bộ tứ châu Phi” do Trung Quốc đứng ra điều hành vẫn sẽ gặp phải nhiều trở ngại. Các quan chức Đức ngần ngại cho mượn tên của họ trong các dự án không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội.
Việc quốc hội Đức gần đây điều tra về sự tham gia của Ngân hàng Phát triển KfW thuộc sở hữu nhà nước với các nhà thầu Trung Quốc ở châu Phi là một trường hợp điển hình. Dù KfW không trực tiếp ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc, song sự hiện diện của họ trong các dự án có các công ty Trung Quốc cũng đủ gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng trong nước.
Đặc biệt, dư luận Đức về Trung Quốc còn đang dần xấu đi. Một chính phủ mới của nước này với sự góp mặt của Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Xanh được đánh giá sẽ còn tiếp thu nhiều hơn các tiếng nói chỉ trích Trung Quốc tới đây.
Không giống như Đức, Pháp đã thực hiện các bước tiến vượt ra ngoài sự hợp tác không chính thức với Trung Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực đó cũng được đánh giá khó có thể đi đến một sự hợp tác chính thức trong tương lai.
Sau khi Trung Quốc và Pháp ra tuyên bố chung về hợp tác tại các thị trường đang phát triển vào năm 2015, hai nước đã tiến hành các bước thành lập “Quỹ hợp tác thị trường thứ ba” - nhưng Pháp chỉ cam kết chi 2 tỷ USD so với 10 tỷ USD của Trung Quốc.
Sự khác biệt trên phản ánh sự thiếu nhiệt tình của các doanh nghiệp Pháp so với mong muốn của chính phủ nước này. Phong trào Doanh nghiệp của Pháp đã từ chối hợp tác chính thức với Trung Quốc vào năm 2016. Bởi vậy, ý tưởng gây quỹ nói trên giữa 2 nước ngày càng khó trở thành hiện thực.
Thực ra, Pháp và Đức từng đồng thuận trong đề xuất đầu tiên về quan hệ đối tác ba bên giữa châu Âu, Trung Quốc và châu Phi vào năm 2008. Song sau đó, đề xuất của Liên minh châu Âu này cuối cùng đã thất bại do thiếu sự tham vấn từ châu Phi. Chính vì điều này mà 13 năm kể từ đó, các công ty tư nhân Pháp và Đức phải đối mặt với nhiều khó khăn trên thực địa châu Phi.
Nairobi Terminus, nhà ga trên tuyến đường sắt Mombasa – Nairobi Standard Gauge do Trung Quốc xây dựng, ngoại ô Nairobi, Kenya - Ảnh: Reuters
Trung Quốc chỉ được, không mất
Rõ ràng, Trung Quốc không có gì để mất, ngược lại họ sẽ thu được nhiều từ đề xuất “Bộ tứ châu Phi”. Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ dù vấp phải chỉ trích về các bẫy nợ, tham nhũng và các tiêu chuẩn xã hội và môi trường lỏng lẻo, song không thể phủ nhận nó vẫn có thể mang lại những lợi ích từ quá trình đa phương hóa.
Với sự gia tăng gần đây về nợ nần ở nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt tác động của đại dịch Covid-19, việc đa phương hóa BRI còn đang khiến giới lãnh đạo Trung Quốc háo hức hơn bao giờ hết.
Có thể nhận thấy, nếu nỗ lực “Bộ tứ châu Phi” không nhận được sự ủng hộ ở châu Âu, thì Trung Quốc cũng đã phát đi được tín hiệu đến phần còn lại của thế giới rằng: họ đã sẵn sàng đứng ra thiết lập các mối quan hệ đối tác ở cấp độ quốc tế!