Bỏ tư duy lắp ghép tên cơ quan, đơn vị
Tư duy lắp ghép tên gọi đơn vị hành chính từ cấp bộ đến cấp xã có thể dẫn đến việc sáp nhập, hợp nhất theo kiểu cơ học và để lại hệ lụy.
Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ tên gọi mới của các bộ sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị. Theo phương án này cơ bản không còn tên gộp từ sự lắp ghép tên gọi của các bộ cũ trừ Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là một ngoại lệ phù hợp.
Theo Bộ Nội vụ, các tên bộ được giữ nguyên gồm: Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Bộ Khoa học và Công nghệ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ nguyên tên sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông…
Phương án này khác với phương án đã đề xuất các tên bộ mới có sự lắp ghép các tên cũ như: Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; Bộ Hạ tầng và Đô thị; Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường; Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin; Bộ Nội vụ và Lao động.
Tên gọi mới cũng thống nhất với gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Trung ương Đảng tại hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 1/12/2024. Khi đó, Trung ương đã định hướng nghiên cứu đề xuất kết thúc hoạt động và kết thúc hoạt động của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
Đặt tên các đơn vị hành chính là một công việc quan trọng không chỉ ở trung ương mà còn ở cơ sở.
Còn nhớ tại Hải Dương mỗi lần sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, việc đặt tên bao giờ cũng được quan tâm và mất nhiều thời gian. Cách dễ được chấp nhận nhất và được sử dụng nhiều nhất là lấy các thành tố tên xã cũ lắp ghép lại với nhau như Thượng Đạt sáp nhập An Châu thành An Thượng (TP Hải Dương) hay Tuấn Hưng với Việt Hưng thành Tuấn Việt (Kim Thành)… Cách này thoạt nghe dễ chấp nhận nhưng xem xét kỹ thì không hay.
Việc đặt tên xã theo kiểu lắp ghép đã biến một số tên xã có ý nghĩa thành vô nghĩa hoặc kém ý nghĩa hơn như xã Quang Thành được lắp ghép từ xã Quang Trung (tên danh nhân) và xã Phúc Thành ở Kinh Môn. Hay như gần đây ở huyện Bình Giang có tên xã Thái Minh được hình thành từ xã Thái Học (tên danh nhân) và xã Bình Minh.
Phải chăng việc đặt tên theo kiểu lắp ghép là phương án dễ dàng nhất từ cơ sở đến cấp trung ương vì nó dễ được chấp nhận ở cả hai bên? Phải chăng tư duy lắp ghép tên gọi cũng sẽ dẫn đến việc hợp nhất chỉ là lắp ghép cơ học đã xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị thời gian qua?
Ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị vừa qua có ý nghĩa không chỉ về tên gọi.
Việc đặt tên theo kiểu lắp ghép đã để lại nhiều hệ lụy. Trước hết là sự lãng phí về thủ tục hành chính. Khi hợp nhất nếu giữ lại được tên gọi của một bên sẽ bớt đi được rất nhiều giấy tờ, thủ tục phải thay đổi. Thứ hai, đối với các đơn vị thì việc lắp ghép tên gọi sẽ dẫn đến khó thoát ra được tư duy cũ để hình thành nên cơ quan mới với nội hàm tích hợp nhiều nội dung mới, cách vận hành tiến bộ hơn. Cái cần nhất hiện nay là sau hợp nhất gọn rồi phải tinh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bỏ tư duy lắp ghép cũng sẽ hướng các cơ quan hành chính mới tự làm mới mình, hoạt động theo xu hướng tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bo-tu-duy-lap-ghep-ten-co-quan-don-vi-402852.html