'Bộ tứ' EU-NATO Visegrad chia làm 2 phe vì xung đột Nga-Ukraine
Những bất đồng về cuộc chiến ở Ukraine đã được bộc lộ công khai giữa một bên là Cộng hòa Séc và Ba Lan, và bên kia là Hungary và Slovakia.
Cộng hòa Séc và Ba Lan đang cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Hungary và Slovakia cho biết họ sẽ không gửi vũ khí cho Kiev nhưng sẵn sàng đóng góp viện trợ nhân đạo hoặc tài chính.
V4 = V2+V2
Visegrad Four (V4), một liên minh chính trị không chính thức lâu đời nhất ở cả EU và NATO, bị chia rẽ sâu sắc khi nói đến quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine và các cách tiếp cận để giải quyết cuộc xung đột.
Được thành lập vào năm 1991, Visegrad – bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia – từng là một nhóm với tiếng nói “có trọng lượng” khi tham gia giải quyết các vấn đề ở Brussels. Lãnh đạo của 4 quốc gia, đại diện cho tổng cộng 65 triệu công dân, đã định hình các chính sách của châu Âu trên nhiều lĩnh vực như nhập cư, nông nghiệp và thậm chí cả chính sách đối ngoại.
Nhưng kể từ khi xung đột bùng phát ở ngay sát vách và những thay đổi về lãnh đạo chính trị ở từng quốc qua thành viên, nhóm này đã lâm vào thế bế tắc với vấn đề chính sách đối ngoại gai góc nhất hiện nay ở châu Âu: Cuộc chiến ở Ukraine. Ở đây, sự phân kỳ đã trở nên rõ ràng đến mức sẽ không sai nếu nói V4 hiện đang là V2+V2.
Ở đầu này, Cộng hòa Séc và Ba Lan, với tư cách là 2 trong số những quốc gia ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất về mặt chính trị và quân sự, muốn cung cấp vũ khí nhiều hơn và nhanh hơn cho Ukraine.
Trong khi đó, ở đầu kia, Hungary và Slovakia từ chối gửi vũ khí về phía Đông và phản đối giải pháp quân sự cho cuộc chiến. Đặc biệt, Budapest và Bratislava đã phát triển một chính sách rõ ràng nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt của EU nhắm vào Nga, đặt câu hỏi về sự hội nhập của Ukraine vào khối 27 quốc gia, và từng chặn viện trợ của EU cho Kiev.
Bất đồng
Gần đây nhất, những bất đồng về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã được bộc lộ công khai tại Hội nghị Thượng đỉnh Visegrad ở thủ đô Praha (Prague) của Cộng hòa Séc hôm 27/2.
Tại cuộc họp, 4 vị Thủ tướng – Petr Fiala của Cộng hòa Séc, Donald Tusk của Ba Lan, Robert Fico của Slovakia và Viktor Orban của Hungary – đều lên án hành động của Nga đối với Ukraine và nhất trí rằng Kiev cần được giúp đỡ.
Tuy nhiên, họ có quan điểm khác nhau về nguyên nhân dẫn đến việc Nga đưa quân vào Ukraine và về các hình thức hỗ trợ mà họ sẵn sàng cung cấp cho quốc gia Đông Âu.
Trong khi Cộng hòa Séc và Ba Lan thống nhất ủng hộ nhiệt tình cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí, Hungary và Slovakia có quan điểm khác.
“Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng có sự khác biệt giữa chúng tôi”, Thủ tướng Séc Petr Fiala, người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Visegrad ở Praha, cho biết. “Tôi sẽ không giữ bí mật, sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta có quan điểm khác nhau về nguyên nhân gây hấn của Nga chống lại Ukraine và cách giải quyết nó”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ra dấu hiệu rằng Warsaw sẵn sàng ửng hộ sáng kiến của Praha về mua đạn dược rất cần thiết cho Ukraine từ các nước thứ ba và chuyển chúng tới tiền tuyến càng nhanh càng tốt.
Slovakia và Hungary từ chối cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, nhưng không loại trừ các hình thức hỗ trợ khác. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhanh chóng chỉ ra rằng Budapest không phản đối viện trợ nhân đạo hay tài chính, đồng thời nêu lên ví dụ là cách các bác sĩ Hungary đang giúp đỡ ở tuyến đầu.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng cách tiếp cận cuộc chiến của phương Tây là “thất bại tuyệt đối”. “Giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Ukraine là điều tôi không tin vào”, ông Fico tuyên bố, đồng thời nhắc lại rằng EU nên đưa ra chiến lược hòa bình cho cuộc chiến.
Nhà lãnh đạo Slovakia cũng phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga và muốn ngăn Ukraine gia nhập NATO. Ông nói rằng số lượng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ không thay đổi được cục diện cuộc chiến.
“Cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng đàm phán”, ông Orban, một người theo chủ nghĩa dân tộc, đồng tình. Ông cũng nói thêm rằng các cuộc đàm phán hòa bình nên bắt đầu “càng sớm càng tốt”.
Cuối cùng, có một điều mà tất cả 4 nhà lãnh đạo đều đồng ý về cuộc chiến: Không ai trong số họ sẵn sàng gửi quân đến tham chiến ở Ukraine. Điều này dường như nhằm bác bỏ bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc họp liên quan đến Ukraine ở Paris một ngày trước đó (ngày 26/2), trong đó nhà lãnh đạo Pháp lưu ý rằng các nước phương Tây trong tương lai không thể loại trừ việc cử nam nữ mặc quân phục tới Kiev trong thời chiến.
Minh Đức (Theo Euronews, RFE/RL, European Pravda)