Bỏ tử hình với 8 tội danh: Cân đối, hài hòa để bảo vệ quyền con người
Tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất, vì vậy mỗi quốc gia xuất phát từ thực tiễn của mình sẽ áp dụng chính sách phù hợp liên quan đến hình phạt này.
Sáng mai (27-5), theo nghị trình, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ dành trọn thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Liên quan đến dự luật này, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận là đề xuất bỏ tử hình với 8 tội danh.
Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đã có những trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: QH
Tỉ lệ áp dụng án tử hình giảm dần
. Phóng viên: Thưa ông, BLHS 1985 quy định 44 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình, đến BLHS 1999 giảm còn 29 tội và đến BLHS 2017 giảm còn 18 tội. Sửa đổi BLHS lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an tiếp tục đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh. Ông bình luận gì về những con số này?
+ Ông Đỗ Đức Hiển: Nếu nhìn vào những con số thống kê nêu trên có thể thấy từ năm 1985 đến nay, số tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình trong BLHS có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, nếu xét theo từng lần sửa đổi, bổ sung BLHS thì thực tế số lượng các tội danh có hình phạt tử hình có lúc giảm, lúc tăng. Đáng lưu ý, qua ba lần sửa đổi, bổ sung gần đây nhất, số lượng tội danh cũng như tỉ lệ các tội có quy định hình phạt tử hình đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 1999 còn 29/263 tội danh, trên 11%; năm 2009 còn 22/272 tội danh, trên 8% và năm 2017 còn 18/314 tội danh, gần 6%.
Bên cạnh đó, BLHS qua các thời kỳ này còn được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình, bãi bỏ quy định liên quan đến việc thi hành án tử hình ngay sau khi xét xử. Đồng thời, chú trọng hơn về kỹ thuật lập pháp nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng để tòa án cân nhắc, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể...
Tại lần sửa đổi này, Chính phủ tiếp tục đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh và bổ sung một số trường hợp không thi hành án tử hình.
Tôi cho rằng điều này phản ánh chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội. Đặc biệt, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.
Đây là định hướng cơ bản, một mặt yêu cầu BLHS phải là công cụ sắc bén trong quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; mặt khác cũng thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trong xử lý người phạm tội, thể hiện mục tiêu hướng đến hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn.

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (hàng đầu thứ hai từ trái sang), là người bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bỏ hẳn án tử hình - cân nhắc, thận trọng
. Nhưng vì sao chúng ta chưa thể bỏ hẳn án tử hình?
+ Tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất, là hình phạt tước đi quyền sống - quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án. Do đó, xu hướng chung của thế giới là hạn chế dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt nói chung và bỏ hình phạt tử hình đối với từng tội phạm cụ thể nói riêng là một vấn đề hết sức hệ trọng. Vì vậy, mỗi quốc gia xuất phát từ thực tiễn của mình sẽ áp dụng chính sách phù hợp liên quan đến hình phạt tử hình.
Dự thảo BLHS sửa đổi dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình của BLHS hiện hành.
Gồm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Tội gián điệp (Điều 110); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354).
Điều này lý giải tại sao ở nhiều nước hiện nay, thậm chí có trình độ phát triển cao nhưng vẫn tiếp tục duy trì hình phạt tử hình, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản. Có những nước tái quy định hoặc mở rộng phạm vi việc áp dụng hình phạt tử hình, chẳng hạn Ấn Độ ban hành Luật Hình sự (sửa đổi) năm 2013 quy định việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội hiếp dâm nhiều lần hoặc hành vi hiếp dâm gây ra cái chết cho nạn nhân.
Tại Việt Nam, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập niên qua cho thấy đã đem lại những tác dụng nhất định trong trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật. Bước sang giai đoạn phát triển mới, việc xem xét, loại bỏ dần hình phạt này trong pháp luật hình sự được coi là một trong những chủ trương quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách hình sự.
Dù vậy, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường, tình hình tội phạm rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng thì mức độ điều chỉnh chính sách hình sự về nội dung này cũng cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng để không gây bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

Bị cáo Vũ Hoàng Oanh, chủ mưu cầm đầu đường dây ma túy bị tuyên án tử hình. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp
. Ông có ý kiến gì với đề xuất của ban soạn thảo về dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 8 tội danh trong lần sửa đổi này?
+ Có thể thấy việc cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật đề xuất không tiếp tục quy định hình phạt tử hình với một số tội danh, thay vào đó là hình phạt tù chung thân không xét giảm án đã được thực hiện khá kỹ lưỡng, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp và có cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, cũng còn sự khác nhau về cách tiếp cận với một số tội danh trong nhóm này.
Chẳng hạn, ở tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, có ý kiến cho rằng chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình có thể dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các hành vi tham nhũng. Từ đó, đề nghị cần duy trì hình phạt tử hình với hai tội này để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như đề cao tính răn đe, phòng ngừa chung.
Ý khác lại cho rằng hai tội này nếu chuyển thành tù chung thân không xét giảm án sẽ tạo điều kiện cho người bị kết án tử hình một cơ hội sống, hoàn lương, nếu người đó thực sự ăn năn hối cải, có hành động tích cực khắc phục toàn bộ hậu quả. Chẳng hạn, nộp lại tiền hoặc tài sản đã tham nhũng; nghiêm chỉnh chấp hành các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản…
Thực tế hiện nay, BLHS đã quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân; mặt khác, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo thì tòa án cũng ít áp dụng hình phạt tử hình với hai tội danh này.
Hay như với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, có ý kiến cho rằng nếu chứng minh được hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nằm trong quy trình mua bán có tổ chức, tiếp tay cho hoạt động nêu trên thì người có hành vi này bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đơn thuần là hành vi vận chuyển thuê thì hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với người phạm tội là nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Bên cạnh đó, nếu cần thiết duy trì hình phạt tử hình thì cũng cần tách riêng trường hợp áp dụng hình phạt này, không quy định chung hình phạt tử hình với hình phạt tù chung thân, tù 20 năm trong cùng khung hình phạt. Đồng thời, bổ sung các điều kiện áp dụng chặt chẽ hơn như tăng định lượng hoặc giảm bớt các tình tiết định khung tại khung hình phạt tử hình để gián tiếp thu hẹp khả năng áp dụng hình phạt trên thực tế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc sửa đổi quy định như trên sẽ làm giảm tính răn đe, tạo kẽ hở để tội phạm ma túy phát triển phức tạp và nguy cơ Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế.
Tới đây, dự án luật sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường. Tôi cho rằng các ý kiến tham gia đối với các quy định nêu trên của dự án luật sẽ được các cơ quan lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội phương án phù hợp nhất, trên tinh thần bảo đảm sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa yêu cầu bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền sống theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung cũng như đối với từng loại tội phạm cụ thể nói riêng.
. Xin cảm ơn ông.
Xem xét 5 tiêu chí khi bỏ hoặc giữ án tử hình
Qua nghiên cứu pháp luật hình sự của các nước, việc giữ hay bỏ hình phạt tử hình đối với một tội phạm cụ thể cần được cân nhắc trên cơ sở đánh giá toàn diện năm tiêu chí cơ bản.
Thứ nhất là tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Theo tôi, chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm. Hoặc trường hợp phạm tội đơn lẻ mà có tính chất chuyên nghiệp, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhiều người hoặc hành vi phạm tội mang tính bạo lực, dã man, tàn bạo gây bất bình trong xã hội.
Về đối tượng phạm tội thì chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc những đối tượng lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm mà tòa án xét thấy khả năng cải tạo, giáo dục họ thấp.
Thứ hai, xét về tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại thì cần giữ lại hình phạt tử hình với một số tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo xâm phạm tính mạng con người; đe dọa sự ổn định, tồn vong của Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia… Riêng với các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, xâm phạm sở hữu..., có thể từng bước bãi bỏ hình phạt tử hình.
Thứ ba, hình phạt tử hình có ý nghĩa răn đe và phòng ngừa chung rất cao. Do vậy, những lĩnh vực có yêu cầu cao về đấu tranh phòng, chống tội phạm thì chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm trong lĩnh vực đó, mặc dù có thể trên thực tế tòa án chưa hoặc ít áp dụng hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này.
Thứ tư, khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình là yếu tố quan trọng cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ khi lựa chọn phương án bỏ hay giữ lại hình phạt tử hình trong từng tội danh cụ thể. Điều này để bảo đảm rằng nếu bỏ hình phạt tử hình thì cũng đã có biện pháp khác thay thế nên không ảnh hưởng đến đấu tranh phòng, chống loại tội phạm đó.
Thứ năm, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình cũng là một yếu tố hết sức quan trọng cần được tính đến trong quá trình xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể.
Theo đó, một số tội danh tuy BLHS có quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế đã nhiều năm không xảy ra, rất ít xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng tòa án không áp dụng hình phạt tử hình thì cũng có thể nghiên cứu, cân nhắc để xem xét bỏ hình phạt tử hình.
Ông ĐỖ ĐỨC HIỂN, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội
******
Ý KIẾN (*)
Đại biểu THẠCH PHƯỚC BÌNH (đoàn Trà Vinh):
Nên có lộ trình cụ thể
Giảm hình phạt tử hình là xu thế nhân đạo trong tư pháp hình sự hiện đại, đặc biệt phù hợp với quyền sống, quyền cơ bản nhất của con người được quy định tại Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam chúng ta là thành viên.
Tuy vậy, tôi nghĩ sự thay đổi này cũng phải cần đảm bảo không làm suy yếu vai trò răn đe của pháp luật, đặc biệt đối với các tội xâm hại an ninh quốc gia, tham nhũng và ma túy vốn có nguy cơ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tôi hoàn toàn đồng tình đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, tôi đề xuất nên có lộ trình cụ thể, trong giai đoạn 2025-2026 rà soát và sửa đổi BLHS, bãi bỏ tử hình đối với nhóm tội phạm phi bạo lực như tham nhũng, kinh tế, gián điệp, áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án cho các tội danh này giai đoạn 2026-2028...
-----
Đại biểu SÙNG A LỀNH (đoàn Lào Cai):
Trên 80% số người bị kết án tử hình liên quan đến án ma túy
Năm 2023, chúng tôi tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thi hành án hình sự. Theo số liệu năm này, tới 83% số người bị kết án tử hình liên quan đến án ma túy; riêng Lào Cai có khoảng 110 đối tượng bị kết án tử hình, 97% trong số này là án ma túy. Trong khi đó, số lượng thi hành án tử hình rất chậm, chỉ khoảng 1%/năm.
Dự thảo lần này đề xuất chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân không xét giảm án, đối tượng chính là những người bị kết án tử hình do tội vận chuyển ma túy, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, là hợp lý, thể hiện tính chất nhân đạo của nước ta, đồng thời giảm tải cho trại giam của Bộ Công an.
Theo thống kê, hiện thiếu buồng giam cho trên 1.000 đối tượng bị kết án tử hình, các trại giam thì quá tải… Việc này cũng giúp giảm áp lực khó khăn cho lực lượng công an trong thực thi công vụ, bởi các đối tượng bị kết án tử hình luôn có tư tưởng không còn gì để mất, tư tưởng rất phức tạp, tiêu cực, thậm chí tấn công cả lực lượng quản lý trại giam.
Cùng với đó, việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội còn giúp giảm chi phí cho công tác thi hành án, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Theo thông tin chúng tôi nắm được, để kết án tử hình và thi hành án tử hình đối với một đối tượng, chi phí 250-500 triệu đồng, nếu kết án tử hình hàng ngàn, vài ngàn, gánh nặng ngân sách nhà nước rất lớn.
-----
Đại biểu NGUYỄN CÔNG LONG (đoàn Đồng Nai):
Bỏ hình phạt tử hình ở tội nào phải hết sức cân nhắc
Lần sửa đổi này, mặc dù tên gọi thuộc phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng những điều chỉnh về chính sách hình sự rất lớn, như việc tiếp tục xem xét bỏ số điều, số tội có khung hình phạt tử hình. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp vẫn còn hai ý kiến, bởi vì ủy ban còn nhiều băn khoăn về vấn đề này. Chúng ta ủng hộ việc tiếp tục bỏ hình phạt tử hình nhưng bỏ ở tội nào phải hết sức cân nhắc trong từng giai đoạn để đảm bảo yếu tố răn đe, phòng ngừa.
Với hai tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, khi thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không nên bỏ, kể cả hai cơ quan VKSND Tối cao và TAND Tối cao cũng đề nghị không bỏ hình phạt tử hình với hai tội này.
Việc bỏ trong thời điểm này sẽ có tác động nhất định đến công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay… Đối với các tội phạm về tham nhũng, trường hợp nếu chưa truy tố và chưa đưa vào một khung hình phạt, các bị can, bị cáo sẽ rất ngoan cố nhưng khi đã xử lý được vào tội và khung hình phạt lập tức chuyển biến thái độ ngay và khắc phục hậu quả rất hiệu quả.
Chúng ta không hy vọng và không mong muốn sẽ xử lý bằng những hình phạt này đối với người phạm tội, tuy nhiên tính răn đe rất hiệu quả.
ĐỨC MINH ghi
(*) Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ hôm 20-5.