'Bộ tứ kim cương' củng cố mặt trận đối đầu Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo kêu gọi ba nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hợp tác chống lại sự cưỡng bách từ Trung Quốc, nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm rung chuyển Nhà Trắng.

Ông Pompeo (trái) gặp thủ tướng Suga tại Tokyo ngày 6/10ảnh: AP

Ông Pompeo (trái) gặp thủ tướng Suga tại Tokyo ngày 6/10ảnh: AP

Hôm qua, nhóm Bộ tứ - bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản - đã bắt đầu cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai tại Tokyo, trong một sự kiện dự kiến giúp củng cố vai trò của New Delhi trong nhóm. Cuộc họp quốc tế đầu tiên của các bộ trưởng ở Nhật Bản trong gần một năm thể hiện sự đoàn kết vào thời điểm mà Trung Quốc đang có mối bất hòa với ít nhất ba thành viên của nhóm gồm Úc, Mỹ và Ấn Độ.

Trước dịp này, ông Pompeo nhắc lại cáo buộc của chính quyền Mỹ rằng đại dịch coronavirus đã trở nên tồi tệ hơn do sự che đậy của Trung Quốc. Ông nói: “Là đối tác trong Bộ tứ, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải hợp tác để bảo vệ người dân và đối tác của mình khỏi sự bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức từ Trung Quốc”.

Đối với chủ nhà - tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga- cuộc họp báo hiệu sự sẵn sàng tiếp tục một số chủ trương an ninh - quân sự mạnh bạo hơn của người tiền nhiệm Shinzo Abe. Trung Quốc trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng “Sáng kiến Bốn bên”, mà ông Abe lần đầu tiên giúp thúc đẩy hơn một thập kỷ trước, là một nỗ lực nhằm hình thành “bang hội” và gây ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã tránh đề cập Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, trong các bình luận. Ông nói nhóm Bộ tứ có thể giúp củng cố trật tự quốc tế và kêu gọi các quốc gia có chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở cùng tham gia.

Bloomberg dẫn lời Kunihiko Miyake, từng là nhà ngoại giao và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản, nhận xét: “Những gì họ đang làm là gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng cam kết quan trọng hơn sự quyết đoán. Không có nghĩa đây là thứ để kiềm chế Trung Quốc. Không ai có thể kiềm tỏa Trung Quốc ”.

Nhóm Bộ tứ đã có thêm động lực khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi cách tiếp cận đối đầu hơn với Bắc Kinh, trong khi Ấn Độ ngày càng cảnh giác với ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Nam Á. Kể từ năm 2017, Mỹ đã tìm cách lôi kéo Ấn Độ, quốc gia có truyền thống bảo vệ tình trạng không liên kết của mình, vào nhóm bằng một “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tỏ ra lạc quan về diễn tiến này: “Mục tiêu của chúng tôi vẫn là thúc đẩy an ninh và lợi ích kinh tế của tất cả các nước có lợi ích hợp pháp và quan trọng trong khu vực, khi khái niệm Ấn Độ -Thái Bình Dương ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn”.

Ông Pompeo đã có các cuộc gặp song phương với người đồng cấp Marise Payne của Úc, Motegi của Nhật Bản và ông Jaishankar, thủ tướng Suga, trước cuộc họp chính thức.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/bo-tu-kim-cuong-cung-co-mat-tran-doi-dau-trung-quoc-1731654.tpo