'Bộ tứ kình ngư' Việt Nam đánh bại nhà vô địch Olympic
Thành tích giành Huy chương Vàng SEA Games 31 ở nội dung 4x200m bơi tự do là một kỳ tích với đội tuyển bơi Việt Nam. Đây là nội dung mà các vận động viên bơi lội Singapore đã thống trị trong một khoảng thời gian dài. Thành tích ấy được lập nên bởi 4 kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên.
Màn thể hiện xuất sắc
Trước khi bước vào cuộc tranh tài chính thức, không nhiều người tin rằng, đội bơi Việt Nam sẽ “lật đổ” được Singapore, bởi trong đội bạn có Joseph Schooling, người từng giành Huy chương Vàng Olympic.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, một trong các thành viên của đội bơi Việt Nam cũng chia sẻ: “Đây là nội dung mà tôi nghĩ, chúng tôi khó có thể giành Huy chương Vàng vì đội Singapore rất mạnh. Chính vì vậy, tôi và các đồng đội có tâm lý thoải mái, không có gì sợ sệt cả. Ban huấn luyện đã bàn bạc, đưa ra đội hình mạnh nhất và đã mang lại kết quả hơn cả mong đợi”.
Đội bơi Việt Nam ra quân ở nội dung 4x200m tự do nam với đội hình có thứ tự xuất phát là Kim Sơn, Huy Hoàng, Quý Phước và Hưng Nguyên. Nguyễn Hữu Kim Sơn, người lĩnh ấn “tiên phong” chia sẻ: “Tôi lãnh nhiệm vụ bơi đầu tiên nên cũng cố gắng thi đấu tốt, tạo sự hưng phấn cho 3 anh em phía sau”. Kết thúc 200m đầu tiên của Kim Sơn, đội bơi Việt Nam vẫn xếp sau Singapore với chênh lệch 1 giây.
Ở lượt thứ 2, Nguyễn Huy Hoàng là người “xuất trận”. Huy Hoàng có phong độ rất cao tại SEA Games 31. Anh đã giành Huy chương Vàng nội dung 1.500m, bỏ xa những người thi cùng tới 50m và giành Huy chương Vàng, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m bơi tự do. Sự xuất sắc của kình ngư người Quảng Bình đã giúp đội bơi Việt Nam vươn lên dẫn đầu, vượt qua Singapore với khoảng cách hơn 1 giây.
Ở lượt bơi thứ 3, “át chủ bài” Joseph Schooling của Singapore “xuất trận”. Tuy nhiên, anh cũng không cải thiện được vị trí của đội khi chỉ về thứ 3 lượt bơi của mình. Người thi đấu của đội bơi Việt Nam lượt này là Hoàng Quý Phước. Đây là cuộc so tài đầy thú vị giữa những người bạn cũ từng có nhiều cuộc so tài cá nhân trong quá khứ.
Kình ngư kỳ cựu Hoàng Quý Phước chia xẻ cảm xúc: “Hôm nay, tôi rất hưng phấn khi được bơi cùng lượt với Schooling. Thực ra, cự ly này cũng không phải sở trường của Schooling nên chưa thể đánh giá hết thực lực của anh ấy. Schooling bây giờ tập trung vào nội dung 50m và 100m nhiều hơn. Điều quan trọng là đội Việt Nam cũng đã làm rất tốt để thắng được đội Singapore”.
Quý Phước hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 200m của mình, giúp Việt Nam giữ vững lợi thế. Ở lượt cuối cùng, kình ngư trẻ Trần Hưng Nguyên đã có chặng bơi nước rút ấn tượng để giúp Việt Nam tạo cách biệt lớn với nhóm bám đuổi ở 200m quyết định. Trần Hưng Nguyên tiết lộ sau cuộc tranh tài: “Ở cự ly này, đội Singapore đang nắm giữ Huy chương Đồng ASIAD nên chúng tôi cứ xác định thoải mái, bơi hết mình và rất vui với chiến thắng này”.
Với tổng thời gian 7 phút 16 giây 31, đội bơi Việt Nam đã vượt qua kỷ lục cũ của SEA Games là 7 phút 17 giây 88. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam giành Huy chương Vàng nội dung 4x200m tự do nam. Malaysia giành Huy chương Bạc với thành tích 7 phút 19 giây 75, còn Singapore chỉ giành Huy chương Đồng với 7 phút 21 giây 49.
Niềm hy vọng mới trên “đường đua xanh”
Với lực lượng gồm 32 vận động viên và tham gia tất cả 40 nội dung thi đấu, đoàn bơi lội Việt Nam đặt mục tiêu giành 6-8 Huy chương Vàng để giữ vững ngôi nhì toàn đoàn như tại SEA Games 30, khi các vận động viên đem về tổng cộng 11 Huy chương Vàng, chỉ xếp sau đoàn Singapore với 23 Huy chương Vàng.
Phong độ xuất sắc của các vận động viên đã giúp đoàn bơi lội Việt Nam vượt chỉ tiêu khi các nội dung thi đấu còn chưa kết thúc. Đó là một thành công đáng ghi nhận với sự đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam vào bộ môn được xem là một trong những “môn thể thao cơ bản” của Olympic và các đại hội thể thao lớn.
Đây là kỳ SEA Games mà đoàn bơi lội Việt Nam không còn “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên. Bên cạnh đó, nhiều vận động viên trụ cột cũng bị xem là đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ như Hoàng Quý Phước. Nỗi lo lắng về lớp kình ngư kế cận cho những ngôi sao trên “đường đua xanh” đã được giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đặt ra.
Màn trình diễn của các vận động viên trẻ ở SEA Games lần này đã phần nào làm xua tan đi nỗi lo lắng đó. Trần Hưng Nguyên, người trẻ nhất trong đội bơi 4x200m tự do đã làm nên kỳ tích vượt qua kình ngư Singapore giành Huy chương Vàng và phá kỷ lục SEA Games, được xem là gương mặt tiêu biểu của “thế hệ mới”.
Kình ngư sinh năm 2003 (đúng năm diễn ra SEA Games 22 cũng được đăng cai ở Việt Nam) đã tỏa sáng ở SEA Games 31 với 3 Huy chương Vàng cá nhân ở các nội dung 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp, 200m bơi bướm và 1 Huy chương Vàng tiếp sức nội dung 4x200m tự do.
Đặc biệt, Hưng Nguyên đã có lần thứ hai liên tiếp phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m hỗn hợp. Ở SEA Games năm 2019 tại Philippines, Hưng Nguyên về nhất ở nội dung này với thời gian 4 phút 20 giây 65 và lập kỷ lục SEA Games đầu tiên ở tuổi 16. Ở SEA Games này, thành tích của Hưng Nguyên được cải thiện, rút ngắn xuống 4 phút 18 giây 10. Anh là kình ngư nam thứ hai của Việt Nam lập kỷ lục trong hai kỳ SEA Games liên tiếp tính ở mọi nội dung của môn bơi. Người đầu tiên làm được điều này chính là người đồng đội, đàn anh của Hưng Nguyên là Nguyễn Huy Hoàng. Huy Hoàng từng hai lần liền lập kỷ lục 1.500m tự do tại SEA Games năm 2017 và năm 2019.
Joseph Schooling, một trong những vận động viên đẳng cấp thế giới ở SEA Games lần này cho biết, anh hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục” khi thất bại trước các đối thủ Việt Nam. Kình ngư từng giành Huy chương Vàng Olympic năm 2016 đánh giá, bơi lội Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể. “Các kình ngư Việt Nam rất xuất sắc, luôn bơi nhanh hơn chúng tôi. Chúng tôi không quá bất ngờ về kết quả vì luôn biết rõ đây sẽ là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Cả 4 tuyển thủ của đội bơi Việt Nam đều giỏi, họ bơi rất nhanh và đã phá kỷ lục SEA Games. Đó là một thành tích rất đáng nể. Họ cũng là đội bơi có sự phối hợp tốt nhất ở nội dung 4x200m tiếp sức tự do nam” - Schooling chia sẻ.