Bộ Tư pháp Mỹ thắng trong vụ kiện chống độc quyền xuất bản

Thẩm phán Florence Yu Pan cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã chứng minh được rằng vụ sáp nhập này có thể làm ảnh hưởng nhiều tới sự cạnh tranh trong việc mua bản quyền xuất bản.

 Vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ nhận sự theo dõi sát sao của giới xuất bản. Ảnh: Publishersweekly.

Vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ nhận sự theo dõi sát sao của giới xuất bản. Ảnh: Publishersweekly.

Tại buổi họp báo hôm thứ hai, Thẩm phán Florence Yu Pan, người đảm nhiệm vụ kiện tại Tòa án quận Columbia, Mỹ, chia sẻ rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã chứng minh được rằng vụ sáp nhập này có thể làm ảnh hưởng nhiều tới sự cạnh tranh trong việc mua bản quyền xuất bản.

Theo New York Times, việc ngăn chặn nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ - Penguin Random House - mua lại một trong những đối thủ của mình - Nhà xuất bản Simon & Schuster đồng nghĩa với chiến thắng của chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn sự độc quyền thị trường.

Nỗ lực ngăn chặn sự độc quyền

Phiên tòa vừa diễn ra trong 3 tuần tháng 8 tại Tòa án Quận Columbia là một nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc hạn chế sự hợp nhất, ngăn chặn sự độc quyền. Vụ kiện của Bộ Tư pháp được giới xuất bản theo dõi sát sao vì kết quả của vụ kiện này sẽ quyết định tương lai của thị trường sách Mỹ.

Một mặt, nhiều nhân vật máu mặt trong ngành, trong đó có nhiều tác giả với tầm ảnh hưởng lớn, những tác giả bán chạy đã trình diện trước tòa, bảo vệ luận điểm của Bộ Tư pháp.

Mặt khác, các giám đốc điều hành Penguin Random House và Simon & Schuster đã lên tiếng ủng hộ thương vụ này, cho rằng việc sáp nhập sẽ tiết kiệm chi phí, cho phép công ty chi trả xông xênh hơn cho bản quyền sách, từ đó có lợi cho các nhà văn.

Một nhân chứng theo phe chính phủ - nhà văn Stephen King - là một cây bút quyền lực. Ông đã đứng ra làm chứng với luận điểm rằng vụ sáp nhập sẽ gây bất lợi cho các tác giả trẻ, tác giả mới vào nghề. Stephen King đã bày tỏ quan điểm trái ngược với chính nhà xuất bản của mình - Nhà xuất bản Scribner, một nhánh của Simon & Schuster.

"Tôi đến đây vì tôi nghĩ rằng việc sáp nhập sẽ gây bất lợi cho cạnh tranh mua bản quyền", ông King đã nói. Ông cho rằng hướng đi của ngành xuất bản những năm gần đây đã khiến cho các tác giả kiếm sống khó khăn hơn.

Các giám đốc điều hành từ các nhà xuất bản lớn khác, trong số đó giám đốc Nhà xuất bản Hachette và giám đốc Nhà xuất bản HarperCollins, cũng đã làm chứng chống lại thỏa thuận sáp nhập này.

Theo lập luận từ phía Bộ Tư pháp, khi hai nhà xuất bản lớn như vậy hợp nhất, tình trạng độc quyền sẽ khiến cho các tác giả mới có ít lựa chọn hơn khi xuất bản tác phẩm của họ, dẫn đến các nhà văn được ứng nhuận bút ít hơn, thậm chí làm giảm số lượng và sự đa dạng đầu sách xuất bản.

 Ảnh: Hiroko Masuike/NYT.

Ảnh: Hiroko Masuike/NYT.

Bảo vệ quyền lợi của tác giả

Theo nội dung bản tóm tắt sau phiên tòa của Bộ Tư pháp Mỹ, “việc một pháp nhân kiểm soát gần một nửa số 'sách bán chạy được mong đợi' của quốc gia đe dọa sự cạnh tranh trên thị trường. Các khoản tạm ứng của tác giả sẽ giảm - đây là các khoản ứng trước mà họ sử dụng để trang trải cuộc sống và là khoản tiền công xứng đáng cho tác phẩm của họ".

Penguin Random House có khoảng 100 nhà in, xuất bản hơn 2.000 đầu sách mỗi năm. Nếu việc sáp nhập thành công, đơn vị này sẽ có thêm khoảng 50 nhà in khác của Simon & Schuster.

Việc Bộ Tư pháp tập trung vào luận điểm cho rằng thu nhập của tác giả sẽ phải chịu tổn hại đánh dấu hướng tiếp cận mới trong việc thực thi luật chống độc quyền của nước Mỹ.

Trước đây, các vụ kiện chống độc quyền thường tập trung bàn tới sự bất lợi của người tiêu dùng. Theo đó, sự độc quyền xảy ra khi một doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ thống trị (thường là duy nhất) trên thị trường, gây tổn hại tới người mua. Sự độc quyền mua xảy ra khi một doanh nghiệp trở thành bên mua thống trị hoặc duy nhất, cũng gây tổn hại không ít tới người mua.

Lần này, bằng cách đề cập đến tác hại tiềm ẩn đối với các tác giả, Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy họ đang có một cái nhìn rộng hơn về tác động khả dĩ của việc hợp nhất.

Eleanor M. Fox, chuyên gia chống độc quyền tại Đại học New York nhận định: “Chính quyền Biden muốn quyết liệt để bảo vệ thị trường tổng thể và không nhất thiết chỉ bảo vệ người tiêu dùng".

Quyết định này đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng mở rộng của Penguin Random House, vào thời điểm mà đơn vị này đang phải đối mặt với thị phần ngày càng giảm và nền kinh tế trì trệ. Mặc dù Penguin Random House vẫn là nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ, đơn vị này đã phải vật lộn để duy trì thị phần bán hàng của mình trong những năm gần đây.

Chính phủ Mỹ đã tập trung vào luận điểm quyền lợi của tác giả bị ảnh hưởng, nhất là nhóm tác giả được ứng trước 250.000 USD cho những “cuốn sách bán chạy được mong đợi”. Thu nhập của những tác giả này sẽ giảm đi đáng kể khi ít nhà xuất bản lớn cạnh tranh đấu giá mua bản quyền sách của họ hơn. Nhiều tác giả cho biết trước đây, Simon & Schuster và Penguin Random House là hai nhà thầu hàng đầu, thúc đẩy số tiền tạm ứng.

Để bào chữa cho mình, Penguin Random House đã cố gắng thuyết phục thẩm phán rằng Bộ Tư pháp về cơ bản đã hiểu sai về động lực của ngành xuất bản. Công ty này nói rằng không có thị trường nào dành riêng cho các tác giả kiếm được khoản ứng trước ít nhất 250.000 đôla, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc chiến đấu thầu đối đầu giữa hai công ty rất hiếm khi xảy ra.

Những lập luận từ phía Penguin Random House đã không thuyết phục được Thẩm phán Pan.

 Thẩm phán Florence Yu Pan. Ảnh: NBC.

Thẩm phán Florence Yu Pan. Ảnh: NBC.

Kết quả này ảnh hưởng thế nào đến ngành xuất bản?

Hiện vẫn chưa rõ liệu Penguin Random House và công ty mẹ - Bertelsmann - có kháng cáo hay không. Để kháng cáo, đơn vị này cần sự chấp thuận của Paramount - công ty sở hữu Simon & Schuster - và sẽ phải chấp nhận kéo dài thời hạn cho việc sáp nhập.

Khi thỏa thuận sáp nhập trị giá 2,175 tỷ USD được công bố vào năm 2020, phần đông đơn vị trong ngành công nghiệp xuất bản đều cho rằng thỏa thuận này sẽ được thông qua sau khi xét theo quy định. Nhiều người đã choáng váng khi hay tin chính phủ tiến hành phong tỏa thỏa thuận này.

Trong suốt quá trình xét xử, sự hoài nghi của Thẩm phán Pan đối với vị trí của Penguin Random House ngày càng hiển hiện.

Kết quả của phiên tòa có tác động sâu sắc tới ngành xuất bản, vượt ngoài tầm kiểm soát của cả 2 công ty Penguin Random House và Simon & Schuster.

Trong vài thập kỷ qua, ngành kinh doanh xuất bản đã trải qua một số vụ sáp nhập khi các nhà xuất bản lớn mua lại các công ty nhỏ hơn, các công ty đối thủ. Khi Penguin và Random House hợp nhất vào năm 2013, thương vụ này đã thúc đẩy một cuộc chạy đua mở rộng quy mô. Các công ty đối thủ như HarperCollins và Hachette cũng tiếp tục mua các công ty nhỏ hơn để mở rộng danh mục và danh sách hỗ trợ của họ. Số lượng nhà xuất bản lớn giảm xuống còn 5.

Nhưng quyết định của Bộ Tư pháp ngăn Penguin Random House mua Simon & Schuster cho thấy rằng việc sáp nhập trong tương lai có thể sẽ phải chịu giám sát của chính phủ, đặc biệt nếu nó liên quan đến một trong những nhà xuất bản thuộc Big Five.

Một số chuyên gia chống độc quyền nói rằng kết quả của phiên tòa cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu Bộ Tư pháp có cân nhắc thách thức Amazon - một đối thủ lớn khác trong ngành kinh doanh sách - hay không.

Barry Lynn, giám đốc điều hành của Viện Open Market (tạm dịch: Thị trường Mở), một tổ chức tư vấn chống độc quyền, cho biết: “Mục tiêu ngay lập tức chuyển sang Amazon. Một khi người ta tiếp nhận suy nghĩ rằng những thương vụ kiểu này gây bất lợi cho cả tác giả lẫn độc giả, rồi nhìn sang Amazon và thấy một tập đoàn chiếm 80% thị phần, người ta chỉ có một kết luận duy nhất”.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-tu-phap-my-thang-trong-vu-kien-chong-doc-quyen-xuat-ban-post1370834.html