Bộ Tư pháp nói về lý do bỏ đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu

Theo đơn vị thẩm định dự thảo, một trong những yêu cầu khi quy định về hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính, là phải bảo đảm tính giáo dục, răn đe và tính hợp lý khả thi khi triển khai thực hiện.

Sáng 7/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý III/2024.

Tại họp báo, PV Báo Giao thông đề cập đến việc Bộ Tư pháp tham gia thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong số này, nội dung đang được thẩm định là Bộ Công an bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiếu.

Thời gian qua, CSGT toàn quốc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Thời gian qua, CSGT toàn quốc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Trả lời tại họp báo, bà Nguyễn Thị Minh Phương (Phó cục trưởng Cục Quản lý và xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan này đã họp thẩm định. Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển xe tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng có quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện có hành vi nêu trên.

"Cho nên, quan điểm của Cục Quản lý và xử lý vi phạm hành chính Bộ Tư pháp đó là, việc quy định hình thức xử phạt và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi đó", đại diện đơn vị tham gia thẩm định dự thảo nhìn nhận.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý và xử lý vi phạm hành chính, một trong những yêu cầu khi quy định về hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính, còn phải bảo đảm tính giáo dục, răn đe và tính hợp lý khả thi khi triển khai thực hiện.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý.

Cũng tại họp báo, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự, kết quả về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, các địa phương đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án giao trên 83,25%.

Về tiền, các đơn vị thi hành xong hơn 117.300 tỷ đồng, tăng 27.800 tỷ (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,46% (tăng 5,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,01% so với chỉ tiêu của tổng cục giao trên 46,45%.

"Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc, với hơn 22.000 tỷ đồng", đại diện Bộ Tư pháp thông tin.

Ngoài ra, về hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp cùng Bộ Công an ban hành quy trình thực hiện thí điểm cấp phiếu trên ứng dụng VNeID để thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 - 30/6/2025.

Với quy trình này, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp được rút ngắn từ 10 ngày còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày còn 9 ngày với trường hợp cần xác minh. Đến nay có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-tu-phap-noi-ve-ly-do-bo-de-xuat-giam-tien-phat-vi-pham-nong-do-con-muc-toi-thieu-192241007100656617.htm