Bộ Tư pháp tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong giai đoạn mới
Chiều 18/7, tại Thanh Hóa, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) tổ chức lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về công tác thanh niên và các mục tiêu phát triển thanh niên đến năm 2025 và giai đoạn 2021-2030.
Tại Hội nghị, bà Lương Thị Hải Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới và công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) chia sẻ: Nội dung quản lý nhà nước về thanh niên và trách nhiệm đối với thanh niên hiện nay khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm 8 nội dung cơ bản.
Cụ thể là, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên; quy định các biện pháp để thực hiện chính sách đối với thanh niên; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên; thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Bà Lương Thị Hải Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới và công tác thanh niên (Bộ Nội vụ).
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về thanh niên; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; hợp tác quốc tế về thanh niên; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chính sách đối với thanh niên.
Vì vậy, trong lĩnh vực qủan lý nhà nước đối với công tác thanh niên của Bộ, ngành Tư pháp hiện nay là ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên và công tác thanh niên; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về công tác thanh niên.
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cho rằng: Hiện nay một số vướng mắc liên quan đến quản lý nhà nước về thanh niên như Luật số 97/2025/QH15 ngày 27/6/2025 sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp.
Khoản 3 Điều 28 Luật Thanh niên: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên; tổ chức hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc bộ Tư pháp phải tập huấn, nâng cao năng lực thông qua các hội nghị triển khai, tổng kết, các hoạt động về quản lý nhà nước về thanh niên để phổ biến, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với thanh niên và công tác thanh niên.
Bà Trần Thu Hường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) chia sẻ: Hiện nay, Bộ Tư pháp đã và đang xây dựng lực lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách quản lý nhà nước về thanh niên có kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, có khả năng hoạch định, tổng hợp, điều phối cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên, nhằm nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất cho cấp ủy đảng, các đơn vị thuộc Bộ để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không bị chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đánh giá tình hình thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên tại các đơn vị trực thuộc. Việc đánh giá phải đặt trong sự tác động đan xen (cả mặt thuận, không thuận, cả thời cơ và thách thức) của những yêu cầu và bối cảnh, phải nhìn nhận, đánh giá thật sự trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và đầy đủ.
Xem xét việc triển khai thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên là một tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cá nhân có liên quan. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên của Bộ, ngành Tư pháp.