Bộ Tư pháp triển khai công tác tư pháp năm 2023

Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình.

Năm 2022, Bộ Tư pháp và toàn ngành đã tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 nghị quyết và cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 564 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh, 2.739 VBQPPL cấp huyện và 778 VBQPPL cấp xã. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Tư pháp cung cấp 50 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý;… tiếp tục được triển khai nghiêm túc, chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp và đạt được nhiều kết quả...

Năm 2023, Bộ, ngành Tư pháp đề ra 14 nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy kết quả đạt được và quyết liệt hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm. Chú trọng đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tư pháp. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế. Ngoài ra, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/173315/bo-tu-phap-trien-khai-cong-tac-tu-phap-nam-2023.htm