'Bộ tứ trụ cột' và bước chuyển tư duy phát triển toàn diện

'Bộ tứ trụ cột' phản ánh sự chuyển biến căn bản trong tư duy lãnh đạo của Đảng ta: từ vai trò 'kiểm soát và chỉ huy' sang 'dẫn dắt và phục vụ phát triển'.

Sáng 18/5/2025, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Nghị quyết 66 và 68, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lần đầu tiên dùng khái niệm “Bộ tứ trụ cột” để chỉ bốn nghị quyết trung tâm do Bộ Chính trị ban hành trong sáu tháng qua: Nghị quyết 57 về khoa học và công nghệ; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về cải cách pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

“Bộ tứ trụ cột” phản ánh sự chuyển biến căn bản trong tư duy lãnh đạo của Đảng ta: từ vai trò “kiểm soát và chỉ huy” sang “dẫn dắt và phục vụ phát triển”. Đây là điểm đặc biệt nổi bật trong chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh bước đột phá lớn nhất không nằm ở kỹ thuật lập pháp hay chi tiết chính sách, mà ở tư duy phát triển: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ, sâu sắc”.

Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển hóa từ một nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng trong nhiều lĩnh vực, tâm lý “quản lý thay vì phục vụ”, “xin - cho thay vì cạnh tranh”, “bảo thủ thay vì sáng tạo” vẫn còn tồn tại. Những di sản này không chỉ là vấn đề thể chế, mà là vấn đề văn hóa tổ chức và thói quen quyền lực.

 Tổng Bí thư Tô Lâm đã lần đầu tiên dùng khái niệm “Bộ tứ trụ cột” để chỉ bốn nghị quyết trung tâm do Bộ Chính trị ban hành trong sáu tháng qua: Nghị quyết 57 về khoa học và công nghệ; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về cải cách pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã lần đầu tiên dùng khái niệm “Bộ tứ trụ cột” để chỉ bốn nghị quyết trung tâm do Bộ Chính trị ban hành trong sáu tháng qua: Nghị quyết 57 về khoa học và công nghệ; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về cải cách pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Nay, dưới sự chỉ đạo mới, Đảng không chỉ nhấn mạnh vai trò thống nhất lãnh đạo, mà còn đặt mình vào vị trí “thiết kế- dẫn dắt” thay vì “giám sát- kiểm tra” thuần túy. Cách dùng từ “cất cánh” của Tổng bí thư Tô Lâm không mang nghĩa ẩn dụ mơ hồ, mà là một sự lựa chọn chính trị có chủ đích: Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, nơi tăng trưởng phải được thúc đẩy bởi khoa học công nghệ, luật pháp tiến bộ, hội nhập chủ động và khu vực tư nhân năng động.

Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ được coi là trụ cột tri thức- động lực lâu dài của đổi mới. Tại đây, Đảng khẳng định khoa học không còn là “phụ trợ” mà là “trung tâm”, nhà khoa học không còn là “bị quản lý” mà phải là “chủ thể kiến tạo”, và Nhà nước phải đi từ “tài trợ đầu vào” sang “đặt hàng kết quả”.

Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế là trụ cột ngoại lực- mở rộng không gian chiến lược. Trong một thế giới phân cực và bất định, chủ động hội nhập không chỉ là mở cửa thị trường, mà còn là tham gia định hình luật chơi, nâng cao năng lực thích ứng trước các cú sốc toàn cầu. Điểm mới trong nghị quyết này là yêu cầu nâng cao “năng lực ngoại giao số”, “an ninh thương mại”, và “vị thế chủ động trong các chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nghị quyết 66 về cải cách pháp luật chính là trụ cột thể chế, nơi các quyết tâm chính trị trở thành luật chơi cụ thể. Chuyển từ pháp luật “cài cắm lợi ích nhóm” sang pháp luật “tạo dựng niềm tin thị trường” là một thử thách lớn. Nghị quyết 66 hướng tới một hệ thống pháp luật minh bạch, đơn giản, hiệu quả, đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm 2025 là một chỉ tiêu cụ thể, vừa táo bạo, vừa có thể đo lường được.

Cuối cùng, Nghị quyết 68 là trụ cột kinh tế, nơi tư nhân được công nhận là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, chứ không còn là “bộ phận phụ trợ”. Từ lâu, khu vực tư nhân ở Việt Nam bị kìm hãm bởi cả định kiến tư tưởng lẫn rào cản hành chính. Việc Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế phát triển kinh tế tư nhân (ngày 17/5/2025) là bước thể chế hóa kịp thời Nghị quyết 68 – thể hiện sự thống nhất hiếm có giữa ý chí chính trị và hành động pháp lý.

Trong một hệ thống chính trị đậm tính tập thể như Việt Nam, cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm nổi bật không phải ở vai trò người “phát ngôn đường lối”, mà ở vai trò người “trực tiếp thúc đẩy thực thi”.

Bốn nghị quyết lớn ban hành chỉ trong nửa năm, đều do chính ông ký, và đều đi kèm các hội nghị triển khai, các nhóm công tác, các chỉ đạo cụ thể từ Trung ương xuống địa phương. Đây là một hình ảnh mới về vai trò Tổng Bí thư, không chỉ là người giữ vị thế tối cao trong Đảng, mà còn là “kiến trúc sư trưởng” của một chuỗi cải cách thể chế, có thiết kế tổng thể, có nhịp độ nhanh và có chủ đích chính trị rõ ràng.

 Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là động lực để kinh tế tư nhân đột phá.

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là động lực để kinh tế tư nhân đột phá.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất không nằm ở chất lượng nghị quyết, mà ở quá trình thi hành. Nếu không có sự chuyển động đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ bộ ngành đến doanh nghiệp, từ cán bộ đến người dân, thì “bộ tứ trụ cột” có thể trở thành bốn trụ “chống trời”… mà dưới đất không ai hành động.

Tổng bí thư Tô Lâm hiểu rõ điều đó. Trong phát biểu hôm 18/5, ông đặc biệt yêu cầu “toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc”, không chỉ theo nghĩa “phối hợp”, mà còn theo nghĩa “chuyển đổi tư duy”. Đây là điểm mấu chốt: cải cách thể chế không thể chỉ là hành vi kỹ trị, mà phải là cuộc đổi mới mang tính văn hóa chính trị.

Nếu coi “Đổi Mới 1986” là cuộc cách mạng thứ nhất, đặt nền móng cho kinh tế thị trường, thì “Bộ tứ trụ cột” do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động có thể được coi là bước tiếp theo, cuộc cách mạng thể chế để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vượt lên trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI như mục tiêu Đại hội XIII đề ra.

Chặng đường phía trước không đơn giản. Để Việt Nam có thể “cất cánh”, thì “bốn trụ” không chỉ phải vững vàng, mà còn phải được vận hành bởi một cơ chế thực thi hiệu quả, có trách nhiệm giải trình rõ ràng, và có khả năng đo lường tiến độ một cách công khai, minh bạch.

Tư duy đã chuyển, chính sách đã có, quyết tâm đã rõ. Vấn đề còn lại là: Ai sẽ làm? Làm đến đâu? Làm như thế nào?

Nếu “bộ tứ” được triển khai đúng hướng, đồng bộ và nhất quán, thì đây sẽ là dấu mốc cải cách lớn nhất của Việt Nam trong thập kỷ 2020. Ngược lại, nếu các tầng nấc chính trị không đồng hành, nếu lợi ích nhóm tìm cách “bẻ lái”, nếu hành chính trì trệ và cán bộ thiếu động lực, thì mọi tham vọng sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn: nghị quyết hay, nhưng thực tế yếu.

Lịch sử đã cho Việt Nam nhiều cơ hội để đổi mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đang mở ra một cơ hội nữa. Còn lại, là việc của toàn hệ thống.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-tu-tru-cot-va-buoc-chuyen-tu-duy-phat-trien-toan-dien-post185815.html