'Bỏ túi' kinh nghiệm cần thiết khi phỏng vấn ở công ty Nhật

Phỏng vấn ở công ty Nhật Bản là một trải nghiệm đặc biệt bởi không chỉ yêu cầu kiến thức và kỹ năng chuyên môn, họ còn đặt nặng văn hóa doanh nghiệp và các giá trị truyền thống, phản ánh sâu sắc văn hóa làm việc của đất nước này. Để thành công, bạn cần hiểu và thể hiện sự tôn trọng với các giá trị mà người Nhật trân quý, từ thái độ, cách giao tiếp cho đến phong cách làm việc.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn “bỏ túi” những kinh nghiệm để tạo ấn tượng tốt nhất trước các nhà tuyển dụng khi tìm việc làm tiếng Nhật.

Hiểu và tôn trọng văn hóa của người Nhật

Người Nhật vốn nổi tiếng với sự nghiêm túc, tính kỷ luật, sự cầu toàn và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ. Những giá trị này cũng thấm nhuần trong phong cách tuyển dụng nhân sự của họ. Vì vậy, để hòa nhập tốt trong một công ty Nhật, bạn cần chú ý các chi tiết sau:

Thái độ khi chào hỏi:Nhật Bản, chào hỏi không chỉ là hình thức mà còn là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với người đối diện và mức độ hiểu biết về văn hóa địa phương. Sự thiếu nghiêm túc hoặc không quan tâm đến cách chào hỏi có thể khiến bạn bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, cúi chào đúng cách (cúi nghiêng phần thân trên 1 góc khoảng 30 độ trong từ 2 - 3 giây) là một điểm cộng lớn khi tham gia phỏng vấn tại các công ty Nhật.

Trang phục và tác phong: Trang phục trang trọng gần như là yêu cầu bắt buộc trong văn hóa phỏng vấn tại các công ty Nhật. Một bộ suit tối màu, áo sơ mi trắng, cà vạt đơn giản đối với nam, váy công sở kín đáo cho nữ, tóc tai gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng là sự lựa chọn tối ưu. Đối với người Nhật, vẻ ngoài chỉn chu là cách bạn thể hiện sự đầu tư và sự tôn trọng dành cho buổi gặp mặt.

Phong cách giao tiếp: Khi được mời ngồi, hãy cố gắng giữ thẳng lưng, tuyệt đối không khoanh tay hay vắt chéo chân. Đặc biệt, luôn giữ thái độ điềm đạm, lắng nghe kỹ trước khi trả lời và không bao giờ cắt ngang lời người khác.

Tôn trọng thời gian: Đúng giờ không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là thước đo cho thái độ của bạn trong công việc và cả cuộc sống. Hãy tham gia phỏng vấn đúng giờ và nếu có thể, bạn nên đến sớm từ 10 - 15 phút so với giờ hẹn để chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn. Sư chậm trễ dù chỉ 1-2 phút đều bị xem là thiếu tôn trọng. Điều này phản ánh tầm quan trọng của tính kỷ luật và sự chính xác, vốn là đặc trưng trong phong cách làm việc của người Nhật.

Kỹ năng giao tiếp trong khi phỏng vấn

Người Nhật đánh giá cao sự tự tin trong giao tiếp và tính trung thực trong mọi khía cạnh. Vì lẽ đó, bạn nên trình bày thành tích, kinh nghiệm qua những câu chuyện thực tế thay vì lý tưởng hóa hay phóng đại nó. Điều này sẽ giúp bạn:

Phản ánh năng lực thực tế: Người Nhật cho rằng, quá trình quan trọng hơn kết quả. Vì vậy, họ luôn tìm kiếm ứng viên có khả năng biến những kinh nghiệm thực tế thành bài học thay vì chỉ quan tâm đến thành tích bề ngoài.

Thể hiện sự chân thành: Văn hóa Nhật Bản đề cao tính trung thực và sự minh bạch. Một câu chuyện thực tế dù đề cập đến thất bại và bài học rút ra từ thất bại đó vẫn được đánh giá cao hơn rất nhiều so với việc phóng đại thành công.

Tạo cảm giác tin cậy: Giao tiếp tự tin, trung thực, không khoe mẽ, không tự cao sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm nhận được bạn là người đáng tin cậy và phù hợp với văn hóa làm việc của họ.

Ví dụ, khiđược hỏi về thành tích của bản thân, thay vì trả lời chung chung “Em đã đạt được 120% mục tiêu doanh số, bạn có thể nói:“Trong quý 2 năm ngoái, doanh số của nhóm em sau ¾ thời gian chỉ đạt 70% mục tiêu đề ra. Em đã phân tích nguyên nhân, xây dựng chiến lược mới và đạt thành tích 120% trong chặng cuối. Qua trải nghiệm này, em đã học được cách phân tích, lên chiến lược và tạo ra kỳ tích trong những tình huống khó khăn”.

Có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng

Đi phỏng vấn ở công ty Nhật, thường bạn sẽ gặp những câu hỏi về dự định tương lai, chẳng hạn như: “Bạn có mục tiêu gì trong 3-5 năm tới?”.

Câu hỏi này không chỉ kiểm tra định hướng nghề nghiệp mà còn đánh giá mức độ nghiêm túc của bạn và khả năng gắn bó lâu dài với công ty. Để trả lời câu hỏi này, bạn cần đưa ra mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể: “Trong 3 năm tới, tôi muốn nâng cao kỹ năng quản lý dự án và tham gia vào những dự án chiến lược của công ty. Tôi tin rằng, điều này không chỉ giúp tôi phát triển sự nghiệp mà còn đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu dài hạn của tổ chức”.

Mục tiêu sự nghiệp rõ ràng giúp bạn thể hiện điều gì?

Đảm bảo tính cam kết: Người Nhật luôn coi trọng sự ổn định và gắn bó trong công việc. Một ứng viên có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng thường được đánh giá có khả năng phát triển lâu dài cùng công ty.

Phù hợp với định hướng của tổ chức: Câu trả lời về mục tiêu sự nghiệp sẽ cho thấy bạn có phù hợp với chiến lược và mục tiêu chung của công ty hay không. Ví dụ, một công ty chú trọng sự đổi mới, tính sáng tạo sẽ yêu thích những ứng viên ham học hỏi và tích cực ứng dụng công nghệ mới để cải thiện hiệu suất công việc.

Thể hiện tinh thần làm việc nhóm

Trong văn hóa Nhật Bản, giá trị tập thể thường được đặt lên trên giá trị cá nhân. Nhà tuyển dụng Nhật Bản luôn mong muốn nhân viên sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung. Vì lẽ đó, tố chất này trở thành một trong những tiêu chí quan trọng khi họ đánh giá ứng viên.

Đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh: Tinh thần làm việc nhóm giúp duy trì môi trường làm việc hòa hợp, tránh xung đột và nâng cao hiệu suất.

Phản ánh tính cam kết: Ứng viên có khả năng hợp tác và đặt lợi ích tập thể lên trên được xem là phù hợp với văn hóa làm việc tại Nhật Bản, nơi mỗi cá nhân đều được kỳ vọng góp phần vào sự thành công của tập thể.

Thúc đẩy hiệu quả công việc: Khi làm việc trong đội nhóm, sự phối hợp hoàn hảo giữa các thành viên đóng vai trò quan trọng hơn những nỗ lực đơn lẻ.

Khi được hỏi về tinh thần làm việc nhóm, bạn có thể tham khảo ví dụ sau: “Khi điều hành một dự án nhóm tại công ty cũ, em nhận thấy mâu thuẫn giữa các thành viên về cách thức triển khai kế hoạch. Em đã chủ động tổ chức một buổi thảo luận để tìm ra điểm chung và phân chia công việc phù hợp với thế mạnh từng người. Cuối cùng, dự án được hoàn thành đúng thời hạn và đạt kết quả ngoài mong đợi. Qua trải nghiệm này, em hiểu rằng giao tiếp và đồng cảm chính là chìa khóa để xây dựng và duy trì tinh thần làm việc nhóm”.

Phỏng vấn ở công ty Nhật không đơn thuần là một buổi đối thoại mà còn là “bài kiểm tra” về thái độ, phong cách làm việc và sự tương thích văn hóa. Để thành công, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang phục, cách giao tiếp đến nội dung phỏng vấn. Một thái độ cầu tiến, chân thành và tôn trọng các giá trị truyền thống của Nhật Bản chắc chắn sẽ giúp bạn để lại ấn tượng sâu sắc và tiến gần đến mục tiêu của mình.

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/thong-tin-dich-vu-viec-lam/bo-tui-kinh-nghiem-can-thiet-khi-phong-van-o-cong-ty-nhat-42180.html