Bỏ túi tiền tỷ từ cây ăn quả, rau hoa hữu cơ ở Đam Rông

Cuộc 'cách mạng' trong tư duy sản xuất của nông dân, cùng sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp bức tranh ngành nông nghiệp huyện Đam Rông (Lâm Đồng) ngày càng khởi sắc.

Để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Đam Rông đã chú trọng chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành các vùng sản xuất lớn, phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiệu quả của cây ăn quả

Sầu riêng đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Đam Rông thời gian qua. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu cho nông dân, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động tổ chức sản xuất sầu riêng theo hình thức liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lớn, hướng tới xuất khẩu.

Với khí hậu, thổ nhưỡng và thủy văn thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng nguồn nông sản chất lượng cao, vừa phục vụ tiêu dùng trong nước vừa hướng tới các thị trường xuất khẩu.

Sầu riêng đang là cây xóa nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân huyện Đam Rông (Ảnh: BLĐ).

Sầu riêng đang là cây xóa nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân huyện Đam Rông (Ảnh: BLĐ).

Năm 2024, toàn huyện Đam Rông có hơn 2.800 ha trồng sầu riêng. Với giá bình quân từ 60 đến trên dưới 100 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm, chủng loại), sầu riêng đã và đang trở thành mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp nhiều nông hộ vươn lên làm giàu.

Vụ này, anh Nguyễn Thanh Tùng (thôn Đắk Măng, xã Đạ R'Sal) ước tính thu về trên dưới 100 tấn sầu riêng từ khu vườn rộng 5 ha. Để đảm bảo năng suất, chất lượng quả, ngoài việc đầu tư hệ thống tưới tự động nhằm tiết kiệm thời gian, nhân công, anh Tùng dùng phương pháp ủ phân, sử dụng hệ vi sinh để cải tạo đất, qua đó đảm bảo độ phì nhiêu.

Theo anh Tùng, việc thực hiện sản xuất theo hướng an toàn sinh học ngay từ ban đầu này sẽ tạo ra chất dinh dưỡng cho cây, bên cạnh đó sẽ tạo ra chất đối kháng nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Sầu riêng có ngon hay không, quan trọng nhất vẫn là quá trình chăm bẵm kỹ lưỡng.

Với 2.000 cây đang được trồng trên diện tích 10 ha, hiện vườn sầu riêng của anh Tùng có hơn 1.000 cây đã cho thu hoạch. “Đây là năm đầu tiên thu bói của vườn. Chỉ cần trung bình giá bán tại vườn là 60.000-80.000 đồng/kg, tôi sẽ có lãi trên dưới 5 tỷ đồng”, anh Tùng cho hay.

Cùng với sầu riêng, cà phê cũng là cây kinh tế chủ lực của người dân Đam Rông. Trong đó, HTX Trái cây Tây Nguyên, xã Rô Men đang là “đầu tàu” dẫn dắt hàng chục hộ nông dân trên địa bàn phát triển mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ, VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Liên kết là sức mạnh

“Đến nay, HTX thu hút gần 20 hộ thành viên sản xuất trên 50 ha cà phê ở xã Rô Men và xã Đạ R’Sal. Trong đó, có khoảng 30 ha trồng xen canh các loại cây ăn trái sầu riêng, bơ, chôm chôm, bưởi… đã được HTX tổ chức tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn mỗi năm”, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thương chia sẻ.

HTX Trái cây Tây Nguyên chỉ là một trong số hơn 40 HTX, tổ hợp tác nông nghiệp đang phát triển hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Đam Rông. Để tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp từng bước vươn lên, UBND huyện Đam Rông đã phối hợp cùng với Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Liên minh HTX Lâm Đồng mở các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Tham gia các HTX giúp nông dân nâng cao nội lực sản xuất, gia tăng giá trị kinh tế (Ảnh: BLĐ).

Tham gia các HTX giúp nông dân nâng cao nội lực sản xuất, gia tăng giá trị kinh tế (Ảnh: BLĐ).

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX, UBND huyện Đam Rông phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án, giúp HTX tiếp cận nhanh các nguồn vốn tín dụng ưu đãi như giảm mặt bằng lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay... Qua đó, giúp các HTX mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, vật tư phân bón cho cây trồng, xây dựng nhà xưởng, máy móc sấy khô, sơ chế sản phẩm…

Bên cạnh những cây lâu năm như sầu riêng, cà phê, ở Đam Rông những năm qua cũng liên tục hình thành những mô hình trồng rau, hoa, củ, quả theo hướng công nghệ cao, cho thu nhập vượt trội. Như mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Chu Văn Lâm, thành viên HTX Phi Liêng, xã Phi Liêng.

Anh Lâm cho hay mỗi năm gia đình anh trồng 1 vụ ớt chuông với 1,5 sào và trồng 2 sào cà chua/2 vụ/năm. Theo ước tính, mỗi năm bình quân gia đình anh cung cấp cho thị trường sản lượng 30 tấn ớt chuông và 36 tấn cà chua, sau khi trừ chi phí đầu tư về cây giống, phân bón và công lao động, gia đình anh thu lãi 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Lâm còn có thêm nguồn thu từ 0,8 ha cà phê…

Thấy được hiệu quả mô hình của gia đình anh Lâm mang lại, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng trong thôn đã tìm hiểu và làm theo. Đến nay, xóm Nùng ở thôn Thanh Bình đã có trên 20 hộ làm nhà kính, nhà lưới trồng ớt chuông, cà chua, đồng thời đã thành lập nhóm sản xuất cà chua của làng Tày.

Thúc đẩy sản xuất hiện đại

Dễ nhận thấy, vài năm trở lại đây, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh ở huyện Đam Rông, đặc biệt là ở các địa phương Phi Liêng, Đạ K’nàng, Đạ R’sal và Rô Men...

Đam Rông là vùng đất có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, khí hậu thổ nhưỡng khá phù hợp với các loại cây trồng và phát triển nuôi trồng thủy sản.

Kể từ khi triển khai Nghị quyết số 12 của Huyện ủy, đến nay, Đam Rông đã có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 1.100 ha, trong đó diện tích nhà kính 31,4 ha (chủ yếu canh tác rau, hoa); diện tích dâu tằm đang phát triển tốt đạt 824,2 ha.

Toàn huyện có 15 chuỗi liên kết với trên 900 hộ tham gia, sản lượng nông sản qua chuỗi đạt trên 10.000 tấn, điển hình như chuỗi liên kết dâu tằm tơ Duy Phương, chuỗi rau, hoa công nghệ cao Đạ K’nàng và chuỗi sản xuất rau thương phẩm Phi Liêng...

Không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện đang giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất, về “nếp nghĩ, cách làm”, tuân thủ quy trình canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Ngoài mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, huyện còn nhiều mô hình khác đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, điển hình như sầu riêng, đồng thời dần xây dựng được thương hiệu nông sản, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

Thời gian tới, huyện Đam Rông tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ đồng bào nâng cao chất lượng các loại cây trồng, đồng thời đẩy mạnh chuỗi liên kết, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/bo-tui-tien-ty-tu-cay-an-qua-rau-hoa-huu-co-o-dam-rong-1101940.html