Bộ VHTTDL tiếp tục kiểm tra, yêu cầu tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống dịch corona tại các di tích
Các đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL tiếp tục kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương về việc dừng tổ chức lễ hội, triển khai phòng, chống dịch bệnh do virus corona tại các di tích trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh…
Ngày 6-7/2, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL do Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung đã tiếp tục kiểm tra thực tế việc dừng tổ chức lễ hội, triển khai phòng chống dịch bệnh do virus corona tại các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành của địa phương nghiêm túc triển khai việc dừng tổ chức lễ hội cùng các biện pháp phòng chống dịch tại lễ hội, di tích.
Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An đã tham mưu các cấp và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện giải pháp phòng chống dịch bệnh tại các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VHTTDL, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc thực hiện việc dừng tổ chức lễ hội, dù công tác chuẩn bị cho lễ hội, gồm nhiều hoạt động đã được triển khai từ sớm.
Đơn cử, UBND thị xã Hoàng Mai đã ra thông báo dừng tổ chức lễ hội đền Cờn và hoạt động khai trương du lịch thị xã năm 2020. Đồng thời, giao BQL di tích đền Cờn và chính quyền địa phương phối hợp tổ chức phần nghi lễ truyền thống tại đền Cờn đảm bảo trang nghiêm, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.
UBND thị xã Cửa Lò đã tạm dừng tổ chức lễ hội Vạn Lộc năm 2020 (dự kiến tổ chức từ 15-17 tháng Giêng âm lịch). Đây là lễ hội tưởng nhớ công đức của Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi với quê hương đất nước.
UBND huyện Nam Đàn dừng tổ chức lễ hội Đền Vua Mai 2020 (diễn ra từ 13-15 tháng Giêng âm lịch)… Ngoài ra, nhiều lễ hội truyền thống khác trên địa bàn đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện việc dừng tổ chức trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona.
Đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL đã kiểm tra thực tế công tác quản lý tại hai điểm di tích là đền ông Hoàng Mười và đền Cờn. Ghi nhận thực tế, đoàn kiểm tra cho biết, các hoạt động lễ hội tại di tích đền Cờn đã dừng tổ chức. BQL di tích đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của ngành văn hóa, y tế về công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona.
Cụ thể, tại di tích, BQL đã cho dán các khuyến cáo về tình hình dịch bệnh; hướng dẫn du khách cách khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay… khi thắp hương, làm lễ tại đền.
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra (9 giờ ngày 7/2) lượng du khách và nhân dân địa phương đến di tích khá vắng so với mọi năm. Tuy nhiên, mọi du khách đến đền đều được hướng dẫn kỹ càng về cách phòng chống dịch qua hệ thống phát thanh của nhà đền.
Theo BQL di tích đền Cờn, trong thời gian tới, BQL đền sẽ tiếp tục rà soát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Đây là địa bàn có người lao động và khách du lịch Trung Quốc nên công tác quản lý luôn được siết chặt. UBND thị xã Hoàng Mai thực hiện việc khử trùng tại đền thường xuyên; giao Trung tâm Văn hóa treo băng rôn tuyên truyền tại nơi tập trung đông người, phát 50 ngàn khẩu trang miễn phí cho khách đến đền, khuyến cáo không tổ chức lễ, lễ rước tại đền. Công tác thanh kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Ngoài lễ hội đền Cờn, các lễ hội khác trên địa bàn thị xã Hoàng Mai cũng dừng tổ chức, nghiêm túc tập trung cho việc phòng chống dịch.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ đoàn kiểm tra thì tại di tích đền Ông Hoàng Mười, việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh do virus corona chưa được BQL di tích triển khai nghiêm túc. Cụ thể, hệ thống bảng biển, băng rôn, pano tuyên truyền phòng chống dịch chưa có; việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại di tích chưa thường xuyên… Đây là những vấn đề cần sớm điều chỉnh, nhất là trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh do virus corona.
Sau khi có ý kiến của đoàn kiểm tra, lãnh đạo Sở VHTTDL Nghệ An cho biết sẽ tiếp thu và chỉ đạo phòng quản lý nghiệp vụ, thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các cơ sở nếu phát hiện vi phạm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bằng các biện pháp cụ thể.
Trước đó, ngày 5-6/2, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL cũng kiểm tra việc dừng tổ chức lễ hội và công tác phòng, chống bệnh dịch tại di tích Đền Củi và Chùa Hương (Hà Tĩnh).
Công tác quản lý tại hai di tích nói trên cơ bản kiểm soát được những vấn đề nguy cơ dịch bệnh. Tại Chùa Hương, nhiều hoạt động trong lễ hội đã tạm dừng; loa phát thanh tuyên truyền liên tục về các phương pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, BQL di tích thường xuyên bố trí cán bộ trực phòng chống dịch; quản lý và giám sát tại di tích.
"Dù nhiều hoạt động đã tạm dừng nhưng du khách vẫn đến di tích để hành lễ và cũng đã thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang phòng dịch. 5000 tờ rơi và khẩu trang được phát miễn phí. Bên cạnh đó, BQL thực hiện dán khuyến cáo tại cổng ra vào điểm bán vé...", Cục Văn hóa cơ sở cho biết.
Tuy nhiên, theo đoàn kiểm tra, các giải pháp phòng chống dịch cần được tăng cường tuyên truyền nhiều hơn tại điểm di tích đền Củi. Tại thời điểm đoàn kiểm tra có mặt (7h tối 5/2), người dân vẫn tới di tích lễ bái, nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch. Một số hiện tượng được đề nghị cần chấn chỉnh như không có khuyến cáo, phát loa tuyên truyền việc phòng dịch; tình trạng ăn xin; hàng quán, dịch vụ cần chú trọng các biện pháp phòng dịch...
"Các điểm di tích trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp, ban hành văn bản thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ. Tuy nhiên Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường thêm các biện pháp tuyên truyền như khuyến cáo, cảnh báo, phát loa về phòng chống dịch. Nâng cao ý thức người dân về việc đeo khẩu trang khi đến các di tích, có biện pháp khử trùng, rửa tay xà phòng nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh...", đoàn kiểm tra lưu ý.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus, Sở đã ban hành công văn chỉ đạo các địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội phối hợp chặt chẽ với phòng y tế và các phòng ban chuyên môn để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ đến người dân và du khách. Công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng được chú trọng. Các lễ hội chưa khai mạc tạm ngừng tổ chức để đảm bảo an toàn./.