Bộ vừa ra chỉ thị, trường vẫn gửi danh mục báo giá SGK 'bia kèm lạc'
Tám trăm nghìn đồng là số tiền chị H.T. phải trả khi đồng ý mua trọn bộ sách giáo khoa và vở bài tập cho cậu con trai chuẩn bị vào lớp 4.
Vừa qua, chị H.T. cho biết 800 nghìn đồng là số tiền chị sẽ phải trả khi đồng ý mua trọn bộ sách giáo khoa và vở bài tập cho cậu con trai chuẩn bị vào lớp 4 trường Tiểu học Trương Định (quận 12, TP.HCM).
Phụ huynh “mơ hồ” đăng ký mua sách theo danh mục nhà trường phát
Theo danh mục này, phụ huynh cần có 27 đầu sách phải mua, chị không phân biệt được sách nào thực sự cần thiết với con, thậm chí có những quyển nghe tên rất lạ.
Chị chỉ biết riêng môn Tiếng việt, ngoài 2 quyển sách giáo khoa còn có thêm 2 quyển luyện viết và 2 quyển luyện từ và câu. Tương tự, môn Toán, Mỹ thuật, ngoài sách giáo khoa, trường cũng “đính kèm” thêm vở luyện tập.
Vì lẽ đó, chị H.T. rất ngạc nhiên khi nhận bảng báo giá danh mục sách cần mua trong năm học tới của nhà trường.
"Suốt những năm con học tại trường, tôi đều đăng ký mua sách theo danh mục trường phát. Năm nay, vừa tổng kết cuối năm, tôi nhận được phiếu đăng ký mua sách từ nhà trường nhưng không nghĩ giá trọn bộ lại cao tới vậy, cao hơn những năm trước rất nhiều. Thậm chí, trước đó, giáo viên cũng chưa từng phổ biến rõ các đầu sách, tôi không nắm được thông tin sách nào cần thiết, sách nào không. Nếu đã đăng ký và tích vào mục đồng ý mua, tôi phải mua trọn bộ”, chị H.T. nói.
Bên cạnh đó, chị cũng cho biết thêm những năm học trước và năm nay, khi nhà trường đã phát danh mục sách, đa số phụ huynh trong lớp của con đều đăng ký đồng ý mua. Thực tế, phụ huynh không nắm rõ được những sách con cần. Vì vậy, phụ huynh luôn trong tâm trạng mua ngoài sợ thừa, thiếu hoặc mua không đúng đầu sách mà nhà trường dạy.
“Tôi cũng muốn đặt mua sách bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tôi không nắm rõ được cần mua sách gì cho con. Trong khi đó, nhà trường còn nhấn mạnh đây là sách đặc thù, nếu không mua qua kênh của nhà trường, con tôi không có sách học. Chưa kể, cầm danh mục sách trên tay, nhiều quyển tên Tiếng Anh khiến tôi không phân biệt được. Như năm ngoái, tôi mua theo danh mục nhà trường phát, vẫn có nhiều quyển con tôi còn không học đến, vẫn mới tinh”, chị H.T. nói.
Nếu việc mua sách giáo khoa qua kênh của trường đang khiến nhiều phụ huynh lúng túng, việc mua sách ở ngoài thị trường lại càng khó khăn gấp bội lần với một “rừng” sách tham khảo và quyển nào cũng được giới thiệu là “quan trọng và cần thiết”.
Chị Nguyễn Tuyết năm nay có con lên lớp 2, cho biết: "Trước khi mua qua kênh nhà trường, tôi cũng từng qua nhà sách tham khảo. Tuy nhiên ngoài sách giáo khoa, nhân viên còn giới thiệu thêm rất nhiều sách tham khảo. Vì quá rối và phức tạp, tôi quyết định đăng ký sách theo danh mục nhà trường con phát".
Nhà trường cần xem xét, chọn lọc những đầu sách cần thiết
Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Khổng Thị Nhung, giáo viên trường THCS Tam Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), cho rằng từ xưa đến nay, bên cạnh sách giáo khoa, sách tham khảo có vị trí và vai trò quan trọng, cần thiết, giúp học sinh có cơ hội nâng cao, hiểu sâu sắc hơn về một vấn đề được tìm hiểu trong sách giáo khoa.
“Tuy nhiên, ngày xưa, sách tham khảo không nhiều nên việc lựa chọn sách để đọc và học thêm rất đơn giản nhưng ngày nay sách tham khảo tràn lan, nội dung lại na ná nhau”, cô Nhung nói.
Cô Nhung cho biết thêm tình trạng có một số trường phát danh mục sách kiểu "bia kèm lạc", cô đã nghe và thấy phụ huynh phản ánh khá nhiều trên mạng xã hội. Cô rất quan tâm đến vấn đề này vì bản thân cô cũng là phụ huynh.
Theo cô Nhung, nhà trường chỉ nên hỗ trợ mua những quyển sách cần thiết trong năm học mới cho học sinh nếu phụ huynh ủy quyền nhờ mua hộ, trường hợp nhà trường phát danh mục sách theo kiểu "bia kèm lạc" sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, sách tham khảo cần thiết nhưng không phải với tất cả đối tượng học sinh, mỗi em sẽ có mức độ nhận thức khác nhau, niềm say mê với các môn học khác nhau nên việc sách tham khảo được đóng gói bán kèm sách giáo khoa ở tất cả môn học sẽ rất lãng phí.
Thứ hai, việc đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách tham khảo ở các nhà trường sẽ làm giảm uy tín của trường học trong mắt phụ huynh với lý do bán cả combo.
Cùng quan điểm với cô Nhung, cô Nông Thị Lượng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Ngò (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), nêu quan điểm mỗi trường học nên thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo học sinh có đủ sách học trong năm học tới. Nhà trường phải chọn lọc, xem xét chỉ nên mua hộ những quyển sách thực sự cần thiết khi phụ huynh có nhu cầu nhờ mua sách hộ.
"Vì là trường vùng cao, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh còn nhiều khó khăn, chỉ riêng sách giáo khoa mà nhiều gia đình còn không mua nổi chứ chưa kể đến sách tham khảo", cô Lượng nói.
Cô cho biết ở đó không có đại lý sách lớn. Vì vậy, nhiều phụ huynh cũng lo lắng mua phải sách giả, sách nhái và không mua được đủ bộ sách theo yêu cầu. Lúc này, nhiều người ủy quyền, nhờ nhà trường mua hộ sách. Khi nhận được giấy ủy quyền thì bên trường mới đặt hộ.
Trước đó, trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Ngò đã phổ biến tới phụ huynh học sinh những đầu sách được Bộ GD&ĐT duyệt và lựa chọn để phụ huynh nắm được thông tin.
Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Ngò cũng nhấn mạnh đối với những học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường sẽ tuyên truyền để các em học sinh khóa trước đến quyên góp sách.
Trường hợp các em đã nhận được sách giáo khoa từ các học sinh khóa trên nhưng vẫn thiếu những vật dụng cần thiết khác, cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo khi vào năm học các con có đủ sách học.
Trần Lý / Giáo Dục Việt Nam