Bộ Xây dựng báo cáo tình trạng khan hiếm nhà giá rẻ
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản giai đoạn 2021-2023 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, mất cân đối cơ cấu sản phẩm, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Tại báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề chất vấn, Bộ Xây dựng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư như xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... đặc biệt trong tiếp cận nguồn vốn, phát hành trái phiếu, huy động vốn của khách hàng, dẫn đến phải giãn tiến độ, dừng triển khai nhiều dự án.
Để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thời gian qua Quốc hội đã sửa 3 luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản để đồng bộ các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, tổ công tác của Thủ tướng cũng được thành lập để rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản tại nhiều địa phương.

Thị trường bất động sản khan hiếm nguồn cung kéo dài. Ảnh: Hồng Khanh
Sau khi làm việc với 8 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định và các doanh nghiệp bất động sản để nắm thông tin, rà soát từng dự án, tổ công tác đã xử lý 188 kiến nghị liên quan tới 203 dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, tổ công tác gửi 137 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố, 14 văn bản gửi tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
Ngoài gỡ vướng cho hàng trăm dự án để tăng nguồn cung bất động sản, từ năm 2023 đến nay, Bộ Xây dựng cũng trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều giải pháp để cơ cấu lại thị trường.
Tháng 4/2023 trình Thủ tướng phê duyệt đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Đến nay, trên cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, quy mô xây dựng hơn 597.000 căn nhà. Trong số này đã hoàn thành được khoảng 66.700 căn, khởi công xây dựng 124.300 căn, chấp thuận chủ trương đầu tư 406.000 căn.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Để thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng, thẩm định giá bán, cho thuê nhà ở xã hội để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá bán nhà xã hội.
Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội được Thủ tướng giao cho giai đoạn đến năm 2030.
Ngoài ra, Bộ cũng rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan đến nhà ở xã hội, nghiên cứu thiết kế nhà mẫu phù hợp với từng vùng miền để xây dựng đồng loạt, tiết kiệm chi phí, giảm giá bán.
Đồng thời, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thí điểm giao đất không qua đấu giá, đấu thầu cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Nhìn nhận về thị trường bất động sản thời gian qua, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguồn cung khan hiếm nhiều năm liền khiến giá nhà chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tăng giá quá nhanh. Giá căn hộ tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp, đến những dự án cũ cũng không ngoại lệ.
Theo chuyên gia, để hạ nhiệt giá nhà cần giải quyết được bài toán chênh lệch cung - cầu của thị trường đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp.
Theo quyết định giao chỉ tiêu của Thủ tướng, các địa phương phải bổ sung mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030, với tổng số 995.445 căn hộ.
Trong đó năm 2025 là 100.275 căn hộ, năm 2026 là 116.347 căn hộ, năm 2027 là 148.343 căn hộ, năm 2028 là 172.402 căn hộ; năm 2029 là 186.917 căn hộ và năm 2030 là 271.161 căn hộ.